Trong xu hướng hội nhập quốc tế, nền kinh tế đất nước phải mở cửa để phát triển, nhiệm vụ bảo đảm anh ninh kinh tế giai đoạn này hết sức quan trọng, lực lượng an ninh kinh tế cần phải có cái nhìn khái quát, rộng lớn để đánh giá đúng mức độ để hội nhập.

Bảo đảm an toàn và phục vụ phát triển của nền kinh tế nói chung

Lực lượng An ninh Kinh tế ra đời khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang trong giai đoạn quyết định, nền kinh tế nước ta ngày càng phát triển lớn mạnh theo chủ trương “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc.”

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Lực lượng An ninh Kinh tế đã làm tốt nhiệm vụ bảo vệ kinh tế, đồng thời với nhiệm vụ bảo vệ chính trị, bảo vệ trị an, bảo đảm “hậu phương” được vững mạnh, phát triển sản xuất, tạo điều kiện để xây dựng xã hội mới và cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến.

Sau ngày thống nhất đất nước, trên mặt trận kinh tế vẫn diễn ra những cuộc đấu tranh thầm lặng, hết sức phức tạp và quyết liệt, với các cơ sở nội gián, phản động còn cài cắm lại, các âm mưu và hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, khó khăn hậu chiến, lệnh cấm vận bao vây…

Lực lượng An ninh Kinh tế đã tích cực tham gia bảo vệ các cơ sở kinh tế, nhất là các ngành kinh tế mũi nhọn; phát hiện, đấu tranh nhiều vụ án quan trọng. Đặc biệt là bảo vệ an toàn các cơ sở kinh tế quan trọng như hệ thống các nhà máy điện, dầu khí, các nhà máy, cảng biển, sân bay…

Một góc thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa)

Năm 1986, đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, Lực lượng An ninh Kinh tế thay đổi tư duy, phương pháp, bảo đảm an toàn và phục vụ phát triển của nền kinh tế nói chung, trong đó có các mô hình kinh tế mới, chưa có tiền lệ.

Bước sang thế kỷ XXI, Lực lượng An ninh Kinh tế từ bộ đến địa phương đều có bước phát triển mạnh mẽ, không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, lập được nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc.

Lực lượng An ninh Kinh tế đã tập trung phát hiện, đấu tranh, làm thất bại nhiều âm mưu, hoạt động phá hoại kinh tế, thông qua kinh tế để phá hoại chính trị, chuyển hóa nội bộ của cơ quan đặc biệt nước ngoài; đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm mới, tội phạm tham nhũng, buôn lậu và gian lận thương mại; xác lập, đấu tranh thành công nhiều chuyên án lớn như vụ án tham ô tài sản nhà nước của Lã Thị Kim Oanh; vụ “chạy" quota hàng dệt may xuất khẩu; vụ vi phạm xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam - Vinashin; vụ Giang Kim Đạt và đồng bọn; chuyên án đấu tranh với đường dây buôn lậu xăng dầu quy mô lớn trên biển của Nguyễn Trường Sơn và đồng bọn...

Góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống Lực lượng An ninh Kinh tế (13/5/1953-13/5/2023) và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất hồi tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh an ninh quốc gia là vấn đề đặc biệt hệ trọng, then chốt, sống còn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bảo đảm an ninh quốc gia nói chung và an ninh kinh tế nói riêng là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, mà lực lượng Công an Nhân dân làm nòng cốt, Lực lượng An ninh Kinh tế là trung tâm.

Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an qua các thời kỳ, Lực lượng An ninh Kinh tế đã đoàn kết, thống nhất, đồng lòng, mưu trí, dũng cảm, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và nhân dân giao phó; luôn nhận được sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và lãnh đạo Bộ Công an trong công cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm an ninh kinh tế.

Lực lượng An ninh Kinh tế đã kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân; nhanh chóng thích ứng với tình hình mới, phát huy hiệu quả hoạt động của mô hình tổ chức mới; có nhiều đề xuất, tham mưu chiến lược lên lãnh đạo Đảng, Nhà nước...

Lực lượng An ninh Kinh tế đã chủ động, đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ, phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực trên các lĩnh vực, địa bàn kinh tế; phát hiện, đẩy lùi, ngăn chặn những nguy cơ về kinh tế; bảo vệ đường lối, chính sách về kinh tế, bảo vệ đội ngũ cán bộ; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa.

Công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, hoạt động nâng cao tiềm lực an ninh kinh tế đạt nhiều kết quả. Qua đó, góp phần tích cực thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.

Lực lượng An ninh Kinh tế cũng kịp thời phát hiện và đề xuất xử lý có hiệu quả những phức tạp nảy sinh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững độc lập, tự chủ trong quá trình phát triển kinh tế; góp phần bảo đảm an ninh, lợi ích quốc gia trong đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, thu hút đầu tư nước ngoài; bảo đảm an ninh trong hợp tác khoa học về biển; phát hiện và đấu tranh có hiệu quả, kịp thời ngăn chặn mọi âm mưu, hoạt động dùng kinh tế để can thiệp, chuyển hóa chính trị cũng như các hoạt động chống phá quá trình phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Những thành tựu đạt được trong bảo đảm an ninh kinh tế đã góp phần quan trọng bảo vệ độc lập, tự chủ và ổn định của nền kinh tế đất nước, ổn định về chính trị-xã hội; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, tạo thế và lực mới ngày càng vững chắc trong quá trình đẩy mạnh hội nhập quốc tế; phục vụ thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngô Huyền và nhóm PV, BTV