Các chuyến đi dài ngày và liên tục trong dịp Tết có thể khiến ôtô hao mòn nhanh hơn thông thường do các tác nhân môi trường. Chính vì thế việc kiểm tra và bảo dưỡng, thay thế sau mỗi chuyến đi dài là điều cần thiết để giúp kéo dài tuổi thọ của những chi tiết quan trọng, đảm bảo xe luôn hoạt động ở tình trạng tốt nhất.
Rửa sạch xe
Việc đầu tiên nên làm sau nhiều chuyến hành trình dài là rửa xe. Xe khi đi trên đường trong nhiều ngày liền, nhất là khi di chuyển ở đường làng, quốc lộ, cao tốc sẽ bị bám nhiều chất bẩn như đất, bụi, nhựa đường, dầu thải, phía trước xe sẽ bị bám nhiều xác côn trùng, bánh và hốc bánh có nhiều bụi phanh, bụi mịn từ lốp.
Nếu để chất bẩn bám lâu sẽ khiến lớp sơn mất độ bóng, làm xe bạc màu. Ngoài ra, xác các loài sâu bọ, côn trùng bám trên xe có tính chất axit, gây tình trạng ăn mòn sâu vào trong lớp sơn nếu không xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, bụi phanh bám trên vành xe để lâu cũng gây tình trạng gỉ sét, khiến bánh xe xỉn màu và mất thẩm mỹ.
Nên vệ sinh phần ngoại thất bằng khăn mềm và dung dịch chuyên dụng. Bánh xe phải dùng khăn, cọ, bàn chải riêng để vệ sinh, nhằm tránh các vết mạt sắt gây xước sơn nếu dùng chung một khăn hoặc bàn chải để lau chùi thân xe.
Đối với nội thất, trước tiên nên hút bụi sạch ở sàn và ghế, sau đó dùng khăn sạch để vệ sinh các thành phần khác. Có thể dùng dung dịch vệ sinh nội thất "tất cả trong một" để vệ sinh toàn bộ khoang lái. Nhưng cách tốt nhất vẫn là dùng dung dịch vệ sinh riêng cho từng loại chất liệu, như da, da lộn, nỉ, nhựa, và dùng riêng khăn cho mỗi loại dung dịch vệ sinh.
Chủ xe có thể tự thực hiện việc rửa xe tại nhà nếu có đủ không gian và dụng cụ, hoặc rửa xe tại các cơ sở chăm sóc xe uy tín, chuyên nghiệp. Nên rửa cả gầm xe và làm sạch nội thất.
Hệ thống phanh
Phanh xe (thắng) là bộ phận cực kỳ quan trọng, giúp điều chỉnh tốc độ và giữ an toàn cho chiếc xe, tuy vậy nhiều người chỉ đem đi sửa chữa khi phanh đã có vấn đề.
Sau những chuyến đi chúc tết, du xuân dài như đợt nghỉ Tết Nguyên đán 2024 vừa qua, chủ xe nên kiểm tra phanh xe để đảm bảo không gặp phải rủi ro đáng tiếc khi vận hành xe ô tô, nhất là khi đi những cung đường đèo dốc, sử dụng nhiều đến phanh. Thông thường, tại các gara, thợ sửa xe sẽ tiến hành tháo bánh xe, sau đó tháo phanh xe để kiểm tra bố, kiểm tra dầu. Cuối cùng là vệ sinh bố phanh nếu bị bẩn do bụi bám vào, tra mỡ ắc thắng rồi ráp lại như ban đầu.
Đối với phanh đĩa, sau một thời gian sử dụng, dưới sự tác động của việc phanh cùng môi trường bên ngoài như đất, đá, nhiệt độ,... có thể gây cong vênh đĩa phanh, làm đĩa phanh bị gồ ghề hay độ dày không đồng nhất. Trong những trường hợp đó, láng đĩa phanh được coi là biện pháp hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề về phanh.
Kiểm tra và thay thế các loại dung dịch trong xe
Các loại dung dịch nên kiểm tra sau các chuyến đi dài bao gồm dầu máy, nước làm mát, dầu phanh, nước rửa kính. Xe di chuyển liên tục trong nhiều ngày liền sẽ làm hao tổn dầu máy hơn, do đó chủ xe nên thay thế nếu dầu máy gần đến hạn (xe phổ thông khoảng 4.000-6.000 km, xe sang khoảng 8.000-10.000 km), hoặc châm thêm nếu thiếu hụt, kiểm tra bằng que thăm dầu hoặc trên màn hình thông tin trong xe.
Đối với nước làm mát, dầu phanh, nước rửa kính chỉ cần châm thêm cùng chủng loại đang sử dụng nếu thiếu hụt. Chủ xe cần mở ca-pô để kiểm tra mức của các dung dịch này, một số xe đời mới có khả năng kiểm tra qua màn hình thông tin giải trí, những thông tin này được ghi rõ ở hướng dẫn sử dụng xe.
Ắc quy và điện
Ắc quy cũng là một trong những bộ phận cần thiết mỗi lần chiếc xe đi bảo dưỡng. Việc kiểm tra bình ắc quy nhằm kiểm tra các điện cực phía trên nắp bình, đảm bảo tất cả các điện cực được nối chính xác. Khi phát hiện các vấn đề chập điện, cháy, rò rỉ chất lỏng,… hãy thay mới ngay để tránh xảy ra cháy nổ, tai nạn.
Bên cạnh ắc quy, hệ thống điện ô tô cũng luôn tìm ẩn nhiều lỗ hỏng. Do đó, chủ xế nên khám điện tổng quát cho xế yêu, việc này sẽ loại trừ các trường hợp tránh nổ do chập điện gây ra.
Đèn chiếu sáng
Các hệ thống đèn trên ô tô không chỉ đem lại tầm nhìn tốt cho chủ xe vào ban đêm cũng như điều kiện thời tiết xấu mà còn báo hiệu đến những phương tiện khác khi vận hành. Hãy kiểm tra kĩ đèn pha, đèn báo rẽ… và thay ngay những bóng đèn khi cần thiết. Đặc biệt, khi một chuyến đi chơi hay về quê sẽ khiến chủ xe trải qua nhiều cung đường và các loại thời tiết khác nhau. Do đó, chủ xe càng cần có “cặp mắt” hỗ trợ để quan sát các chướng ngại vật và các phương tiện giao thông trên đường.
Bảo dưỡng phanh và lốp
Phanh, lốp là hai bộ phận quan trọng của xe và cần được kiểm tra thường xuyên để đảm bảo xe vận hành an toàn. Độ mòn của gai lốp có thể được kiểm tra bằng các vạch biểu thị độ mòn có in sẵn trên lốp, vạch này ở vị trí khác nhau tùy vào chủng loại và nhãn hiệu lốp. Lốp phải được thay thế khi đã quá mòn. Đối với cụm phanh, chủ xe nên thực hiện việc kiểm tra độ mòn của má phanh lẫn đĩa phanh ở xưởng dịch vụ chính hãng trong những lần bảo dưỡng, và thay thế nếu cần thiết.
Thông thường, lốp ôtô có tuổi thọ 30.000-70.000 km, hoặc 5-6 năm. Đĩa phanh và má phanh có tuổi thọ 50.000-100.000 km, hoặc 3-7 năm. Tuổi thọ của những thành phần này tùy vào điều kiện lái, cách lái xe. Cuối cùng, nên kiểm tra áp suất lốp sau mỗi chuyến đi dài. Khả năng cao lốp sẽ thiếu hơi một chút sau khi xe di chuyển liên tục trong nhiều ngày, do đó nên bơm thêm theo đúng mức khuyến cáo của nhà sản xuất, được ghi rõ trên bệ cửa phía bên tài xế.
Theo VietQ