Những yếu tố làm tăng bạo lực học đường
Theo chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TP.HCM, bạo lực học đường có thể diễn ra từ lúc học mầm non, cấp 1, cấp 2, cấp 3. Một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là:
Áp lực học hành: Khi đứng trước stress bạn thường muốn chống lại và trẻ em cũng tương tự. Trẻ có các hành động như đập đồ, đánh mắng người khác, la hét, thậm chí chửi bởi. Bạo lực học đường xảy ra chính là cách học sinh chống lại các stress căng thẳng.
Thay đổi tâm lý: Ở lứa tuổi vị thành niên với trẻ ở cấp 2, cấp 3 có thêm tâm lý thay đổi. Các em có mối quan hệ xã hội khác như thần tượng, bạn bè, nhu cầu thể hiện nét riêng của mình. Khi các nét riêng này không được dung hòa dễ dẫn tới xung đột, va chạm.
Khả năng kiểm soát cảm xúc: Học sinh có khả năng kiểm soát quản lý cảm xúc chưa tốt. Khi trẻ bị xâm phạm quyền lợi, ảnh hưởng tới giới hạn của bản thân có thể tức giận. Hiện các học sinh chưa được trang bị kỹ năng quản lý cảm xúc của mình.
Bạo lực học đường nguy hiểm như thế nào?
Theo chuyên gia Thiện, bạo lực học đường ảnh hưởng tới cả thể chất và tinh thần của học sinh cả người bị bạo lực lẫn người gây ra hành vi.
Tổn thương về thể chất bạn có thể quan sát được dễ nắm bắt nhưng tổn thương về tâm lý khó nhận biết hơn và để lại hậu quả nặng nề hơn. Nhiều nghiên cứu chỉ ra nạn nhân bạo lực học đường có thể ảnh hưởng sức khỏe tâm trí như rối loạn lo âu, trầm cảm, nghiêm trọng hơn trẻ có thể dẫn tới hành vi tự sát.
Tại Anh, một nghiên cứu trên 8.000 người trong suốt 40 năm cho thấy rằng người trưởng thành từng bị bạo lực học đường có sức khỏe thể chất yếu hơn, sức khỏe tâm thần cũng kém hơn, thiếu tự tin vào khả năng, giá trị của mình, chỉ số IQ, chỉ số EQ cũng thấp hơn so với người không bị bạo lực học đường.
Bạo lực học đường không chỉ diễn ra trực tiếp mà còn trên mạng xã hội, từ mạng ảo đến thực tế đều ảnh hưởng tới trẻ. Trẻ gây bạo lực cho người khác cũng bị ảnh hưởng nhiều. Trẻ có hành vi bạo lực với người khác trẻ có thể bị tấn công trở lại bởi người thân, bạn bè của nạn nhân và tác động không thua kém gì hành vi bạo lực trước đó.
Tại phòng khám tâm lý của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), nhiều trẻ em được phụ huynh đưa đến ở tâm thế người bị bạo lực. Chuyên gia Thiện cho biết những trẻ này thường có hung tính cao, gây hấn với phụ huynh, thầy cô, bạn bè thậm chí gây hấn cả bác sĩ.
Để can thiệp tâm lý được những học sinh này, các chuyên gia cần đồng hành trong thời gian dài để các em có thể bộc lộ rõ vấn đề sức khỏe tâm lý của mình. Đa số trẻ gây bạo hành cũng đều có tổn thương tâm lý nên trẻ tạo vỏ bọc hung hãn, gây hấn để bảo vệ chính mình. Trẻ sợ bị tổn thương tâm lý lại.
Phòng ngừa bạo lực học đường, ông Thiện cho rằng cần sự chung tay của gia đình, nhà trường. Bạo lực học đường không chỉ cần viên thuốc hay 1 liều vắc xin mà cần có thời gian dài, tiến trình đồng hành cùng học sinh. Trẻ cần biết cách dung hòa với các mối quan hệ, học cách chung sống với người khác thông qua thấu hiểu của nhà trường, thầy cô.
Khi trẻ có tổn thương về thể chất cần giải quyết ngay, con có bất ổn về tâm lý cần phối hợp với nhà trường ngay, tìm hiểu, không áp đặt. Thầy cô giáo, cha mẹ cần lắng nghe để các được nói lên cảm xúc của mình thay vì phán xét trẻ hư.