Từ đỉnh cao thành “tội đồ” chỉ vì một scandal vạ miệng
Trong bài đăng xin lỗi, Hoa hậu Ý Nhi viết: “Tôi chân thành gửi lời xin lỗi đến quý vị khán giả về những phát ngôn của mình trên truyền thông. Ý Nhi nghiêm túc nhìn nhận những thiếu sót trong suy nghĩ và kỹ năng diễn giải trước công chúng của mình”.
Dù vậy, một lời xin lỗi là không đủ để xoa dịu đám đông đang bất bình, bức xúc. Lần lượt đơn vị tổ chức, bà Phạm Kim Dung (Chủ tịch Miss World Việt Nam) và cả bố, em gái của Ý Nhi lên tiếng xin lỗi, mong khán giả bao dung, nhưng hội nhóm tẩy chay Ý Nhi vẫn mọc lên như nấm, với số lượng thành viên tăng theo từng phút. Không chỉ tân hoa hậu mà cả người nhà, thầy cô giáo của cô cũng bị một bộ phận cộng đồng mạng quá khích tấn công.
Trong thời đại công nghệ, với sự đông đảo của cư dân mạng, mạng xã hội có thể “tam sao thất bản”, biến một người vô danh hôm trước thành người nổi tiếng hôm sau, đưa một người từ đỉnh cao thành “tội đồ” vì một scandal vạ miệng.
Trên thế giới, công chúng đã chứng kiến không ít ngôi sao nổi tiếng chọn cách tự kết liễu cuộc đời vì không chịu nổi áp lực quá lớn từ dư luận. Giới giải trí Hàn Quốc từng gây chấn động khi liên tiếp ghi nhận các vụ tự tử của những thần tượng hàng đầu. Ở châu Âu, khán giả thấy nhiều sao nhí lớn lên nghiện hút, sa vào tệ nạn xã hội vì tổn thương tâm lý, bị bào mòn tinh thần.
Nổi tiếng, chưa bao giờ dễ dàng như hiện tại nhưng để sống chung với sự nổi tiếng - lại là một câu chuyện khác.
Khi sự tẩy chay vượt quá giới hạn
Mạng xã hội càng phát triển, đám đông “ảo” càng nắm nhiều quyền lực. Sức ép từ dư luận đã khiến Ý Nhi phải tạm ngừng quảng bá, đối mặt với làn sóng đòi tước vương miện chỉ trong vòng 14 ngày.
Trao đổi với phóng viên Lao Động, luật sư Nguyễn Hữu Toại (Công ty Luật Hừng Đông) cho biết, người dùng mạng xã hội không thể vượt quá giới hạn đạo đức và pháp luật. “Đối với công chúng, chuyện yêu - ghét một người nào đó là hết sức bình thường. Thế nhưng, khi thể hiện quyền tự do ngôn luận, khán giả không được có những hành vi quá khích, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Họ có thể thể hiện thái độ yêu ghét nhưng cần tuân thủ quy định của pháp luật, không được có lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Bộ luật Dân sự có quy định bảo vệ quyền nhân thân, bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân. Tùy theo mức độ, những người sử dụng các phương tiện để gây tổn hại danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Còn lại, việc cộng đồng mạng bàn tán, tranh cãi trên mạng xã hội cũng rất khó để đánh giá mức độ, có vi phạm hay không vi phạm. Việc kết luận nội dung đó có vi phạm pháp luật hay không thuộc thẩm quyền của các cơ quan quản lý Nhà nước” - luật sư Nguyễn Hữu Toại chia sẻ.
Quay trở lại vụ việc của Hoa hậu Ý Nhi, luật sư cho rằng, một khi đã trở thành người nổi tiếng, công chúng sẽ luôn đánh giá khắt khe bởi họ có quyền thể hiện chính kiến, bày tỏ thái độ. “Từ trước đến nay, khán giả cho rằng, hoa hậu phải là một người phụ nữ đẹp, thông tuệ và hiểu biết. Nhưng trên thực tế, mỗi người có vốn kiến thức khác nhau, còn tri thức là mênh mông, vì vậy rất khó để một người có thể hiểu biết tất cả mọi lĩnh vực.
Theo tôi, dư luận đang có phần khắt khe với các phát ngôn của Hoa hậu Ý Nhi. Ai cũng có những khiếm khuyết, ai cũng có thể mắc sai lầm. Nếu thiếu hiểu biết, ta phải học hỏi thêm. Khán giả cũng không nên dựa vào những lỗi sai để xúc phạm, tấn công người khác. Hành vi đó là không văn minh” - quan điểm của luật sư Nguyễn Hữu Toại về những lùm xùm của Hoa hậu Ý Nhi.
(Theo Lao Động)