Sáng 8/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có tổng hợp tình hình cơn bão số 3 và công tác ứng phó khắc phục.
Theo đó, bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) là cơn bão rất đặc biệt, bão hình thành phía Đông của Philipines nhưng mạnh lên thành siêu bão trên Biển Đông và là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 30 năm qua. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17; khi đổ bộ vào đất liền Quảng Ninh - Hải Phòng với sức gió mạnh nhất cấp 13-14, giật cấp 16-17.
Bão số 3 và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa (26 tỉnh, thành phố); bão gây mưa lớn cho khu vực Bắc Bộ, nhất là khu vực miền núi phía bắc đã bị tổn thương rất nặng nề do các đợt mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất dồn dập trong tháng 7-8/2024.
Bão số 3 đi vào đất liền vào trưa 7/9 với thời gian lưu bão kéo dài (trên 12 giờ).
Tâm bão khi đổ bộ vào Quảng Ninh - Hải Phòng với sức gió thực đo lớn nhất trên đất liền tại Bãi Cháy (Quảng Ninh) cấp 14, giật cấp 17; đảo Cô Tô (Quảng Ninh) cấp 13, giật cấp 16; đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) cấp 13, giật cấp 14; Ba Lạt (Thái Bình) cấp 9, giật cấp 12; Hải Dương cấp 12, giật cấp 13; và Hà Nội cấp 6, giật cấp 10; đồng thời bão đã gây mưa rất lớn ở khu vực Bắc Bộ.
Hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ trước khi bão đổ bộ
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, công tác phòng, chống thiên tai luôn được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt từ sớm từ xa của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và cộng đồng.
Công tác dự báo bão cũng được tăng cường, cập nhật liên tục trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng và các cơ quan, đơn vị liên quan để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.
Ngay sau khi được thành lập vào sáng 7/9, Ban Chỉ đạo tiền phương đã khẩn trương cơ động vào vùng trung tâm ảnh hưởng bão, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trọng điểm, lực lượng Quân Khu 3, công an để trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra công tác ứng phó với bão.
Các lực lượng đã hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ trước khi bão đổ bộ: Kiểm đếm, hướng dẫn cho 51.319 tàu cá/219.913 người về nơi tránh trú; tổ chức sơ tán 52.979 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thủy sản, trong các nhà yếu đến nơi an toàn.
Đồng thời, huy động 438.275 người, 6.642 phương tiện các loại để ứng phó với bão, phân công lực lượng ứng trực tại các vị trí xung yếu; tổ chức bơm tiêu rút nước trên các hệ thống kênh, mương và mặt ruộng; hệ thống các trạm bơm tiêu và các công trình thủy lợi sẵn sàng vận hành tiêu úng khi có mưa lớn xảy ra để bảo vệ sản xuất; triển khai các phương án đảm bảo an toàn các trọng điểm đê biển, đê cửa sông xung yếu hoặc đang thi công từ Quảng Ninh đến Ninh Bình...
Bão số 3 gây thiệt hại nặng nề
Do trời tối, sóng to, gió lớn và mất điện, mất liên lạc nên các địa phương chưa thống kê chính xác được thiệt hại. Trước mắt, thiệt hại bước đầu cập nhật đến 7h hôm nay như sau:
Ảnh hưởng của bão đã khiến 5 người chết (Quảng Ninh 3, Hải Phòng 1, Hải Dương 1); 186 người bị thương (Quảng Ninh 157, Hải Phòng 13, Hải Dương 5, Hà Nội 10); 25 tàu xi măng và gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh; Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng.
Vào khoảng 0h05 ngày 8/9, tại xóm Chầm (xã Tân Minh, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) xảy ra vụ sạt lở đất vào một hộ gia đình làm 4 người chết, 1 người bị thương.
Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm 3.279 nhà ở bị hư hỏng; 401 cột điện bị gãy đổ; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông bị gãy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gãy đổ la liệt trên các tuyến đường tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, TP Hà Nội…
Về nông nghiệp, 121.500ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hại; trên 1.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi (chủ yếu ở Quảng Ninh).
Khuya 7/9, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội cho biết, tính từ 7h - 19h cùng ngày, trên địa bàn thành phố có 1 người thiệt mạng do cây đổ trên đường Trần Duy Hưng. Nam nạn nhân là C.M.C., 22 tuổi, quê Hưng Yên. Ngoài ra, trong ngày còn có 3 người bị thương, đều thuộc quận Ba Đình.
Như vậy, tính từ ngày 6/9 đến thời điểm trên, trên địa bàn TP Hà Nội có 3 người tử vong và 7 người bị thương do mưa bão; phần lớn nguyên nhân là do người dân lưu thông trên đường bị cây đổ trúng.