XEM CẬP NHẬT:

Mời quý độc giả xem tiếp diễn biến bão số 4 đổ bộ vào đất liền:

28/09/2022 | 00:02

0h ngày 28/9: Phó Thủ tướng triệu tập các điểm cầu báo cáo

Khoảng 0h ngày 28/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành triệu tập các đầu cầu báo cáo diễn biễn tình hình, các ảnh hưởng của bão. 

Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thuỷ văn cho biết, hiện tại, bão số 4 cường độ cấp 13 giật cấp 15, đường kính gió mạnh trên cấp 10 là 100km. 

Vào 0h ngày 28/9, vị trí bão ở 15,8 độ vĩ Bắc, 109 độ kinh đông, cách Đà Nẵng - Quảng Nam 80km. Bão đã gây gió mạnh ở đảo Lý Sơn cấp 10, giật cấp 12. 

Bão di chuyển ổn định hướng Tây, khoảng 3-6 giờ tới, bão đổ bộ vào bờ. Khi cập bờ, gió bão cấp 11-13, giật cấp 15. Gió mạnh nhất tập trung vào Đà Nẵng, Quảng Nam và nam Thừa Thiên - Huế. Bão gây nước biển dâng 1-1,5m, sóng cao 3-6m, kết hợp thuỷ triều gây ngập lụt dọc ven biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi.

Bão số 4 tiếp tục gây mưa lớn 200mm đến hết ngày 28/9 (tổng cả đợt phổ biến 400 mm, có nơi đạt 600mm), gây lũ, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất, trọng tâm thuộc các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi và Kon Tum.

Thu gọn
28/09/2022 | 23:46

Quảng Ngãi: Gió giật cấp 12 khiến nhiều nhà dân trên huyện đảo Lý Sơn bị tốc mái

Ghi nhận của phóng viên Đình Thành lúc 23h45 ngày 27/9, trên địa bàn các xã ven biển bắt đầu xuất hiện mưa lớn kèm gió mạnh.

Xem clip mưa ở huyện Bình Sơn lúc 23h40

Trao đổi với VietNamNet, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết, từ tối và đêm nay, mưa lớn cùng gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 đã khiến nhiều nhà dân trên huyện đảo bị tốc mái, cây cối gãy đổ.

“Hiện mưa đang lớn, địa phương chưa thể thống kê được con số cụ thể về những thiệt hại này. Thông tin trước mắt, chưa ghi nhận những hậu quả nghiêm trọng”, bà Hương nói.

Nhiều cây xăng trên địa bàn TP Quảng Ngãi được gia cố. Ảnh: Đình Thành
Mưa trắng xoá trời trên địa bàn xã Bình Đông (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi). Ảnh: Đình Thành

Thực hiện công văn của UBND tỉnh, từ 20h tối, các tuyến đường trên địa bàn tỉnh vắng người và phương tiện đi lại.

Thu gọn
27/09/2022 | 23:40

Đà Nẵng, tới 23h40 vẫn còn 60 người ở trên thuyền

Lúc 23h40, tại Đà Nẵng đã nổi gió mạnh, giật liên hồi, mưa trắng xóa. Theo báo cáo mới nhất từ Ban chỉ đạo tiền phương phòng chống bão số 4, đến thời điểm này tại âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà) còn khoảng 60 người vẫn đang ở dưới thuyền nổ máy. Hiện nay, gió lớn biên phòng không tiếp cận được. Thành phố Đà Nẵng chuẩn bị phương án cứu hộ khi cần.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành lưu ý, cần hết sức quan tâm bằng các công tác phù hợp để đưa 60 người vẫn đang ở dưới thuyền tại khu vực âu thuyền Thọ Quang lên bờ.

Thu gọn
27/09/2022 | 23:30

23h30: Bão số 4 không còn khả năng mạnh thêm

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, đến thời điểm này có thể khẳng định bão số 4 không còn khả năng mạnh thêm.

Theo ông Hưởng, với những diễn biến mới nhất của bão số 4, Trung tâm quyết định thu hẹp vùng cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 4, bao gồm Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và phía bắc của Quảng Ngãi. Khu vực phía nam Quảng Ngãi, Bình Định trở xuống có mức độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Với mức độ rủi ro thiên tai cấp 3 vẫn là vùng bão nhưng không có khả năng gió mạnh cấp 12. 

Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia vẫn nhận định trong đêm nay và ngày mai (28/9), ở khu vực Trung Trung Bộ, từ Quảng Trị đến Bình Định, khu vực Tây Nguyên, nhất là Kon Tum, Gia Lai là những vùng có mưa rất lớn. Tổng lượng mưa trong đêm nay và ngày mai khoảng 200-300mm. Với lượng mưa như vậy nguy cơ gây trượt lở đất, lũ quét ở vùng núi cao.

Thu gọn
27/09/2022 | 22:11

Cấm phương tiện các tuyến Nam-Bắc qua khu vực miền Trung, Tây Nguyên từ 22h

Tối 27/9, Cục CSGT (Bộ Công an) thông tin về việc tạm dừng các phương tiện lưu thông tại hai đầu Bắc – Nam qua khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Phó Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo, yêu cầu các phương tiện giao thông ở hai đầu các tuyến đường Bắc - Nam tạm dừng hoạt động khi bão vào đất liền để đảm bảo an toàn.

Cũng tối nay tại Quảng Trị, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã tổ chức họp trực tiếp về công tác bảo đảm an toàn trong công tác phòng chống cơn bão số 4 (Noru). 

CSGT Quãng Ngãi đóng cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi. Ảnh: CTV

Tại cuộc họp Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chỉ đạo Bộ Công an lưu ý việc yêu cầu phương tiện giao thông trên các tuyến giao thông đường bộ tại hai đầu Bắc - Nam tạm dừng hoạt động khi bão vào đất liền để đảm bảo an toàn, trừ phương tiện làm nhiệm vụ khẩn cấp, xe cứu thương, xe phòng chống lụt bão, xe công vụ…

Lực lượng CSGT Đà Nẵng đảm bảo an toàn giao thông trong tối 27/9. Ảnh: CTV

Vì vậy, ngành chức năng đã triển khai cấm các tuyến đường như: QL1A, QL14, đường Hồ Chí Minh, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi… từ 22h đêm nay theo dọc tuyến từ Quảng Bình đến Khánh Hoà và từ các tỉnh Tây Nguyên xuống các tỉnh miền Trung. 

Hiện tại lực lượng CSGT thuộc Cục CSGT và CSGT các đơn vị địa phương đã chuẩn bị phương tiện, thiết bị nghiệp vụ để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng và Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai.

Thu gọn
27/09/2022 | 21:32

Sơ tán hơn 250.000 người dân đến nơi an toàn

Xem clip tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) lúc 21h30: (CTV từ Lý Sơn)

Khoảng 21h30 tối nay (27/9), mưa lớn kèm cuồng phong hoành hành trên địa bàn huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Cũng trong tối nay, Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 4 cho biết, đến nay các đơn vị liên quan đã huy động gần 250.000 cán bộ, chiến sĩ, cùng gần 3.000 phương tiện ứng trực, duy trì tìm kiếm cứu nạn mưa bão. Các lực lượng chức năng tổ chức bắn pháo hiệu tại 33 điểm ven biển.

Ngoài ra, các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định đã sơ tán hơn 250.000 người dân đến nơi an toàn, trong đó nhiều nhất là Quảng Nam hơn 123.000 người, Quảng Ngãi 68.000 người...

Theo Ban Chỉ đạo, đến nay có 8 tỉnh thành từ Quảng Trị - Bình Định và Gia Lai, Kon Tum đã cho học sinh nghỉ học. Các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định cho cán bộ, công nhân nghỉ làm ngày 27-28/9.

Thu gọn
27/09/2022 | 19:06

19h: Đà Nẵng, Bình Định gió rít kèm mưa to

Đà Nẵng bắt đầu nổi gió lớn kèm mưa to. Chính quyền thành phố yêu cầu người dân không được ra khỏi nhà từ 20h tối nay (trừ người làm nhiệm vụ). Nhưng theo quan sát, từ 19h, các tuyến đường đã vắng bóng người.

Các tuyến đường Trần Phú, Bạch Đằng, Trần Qúy Cáp (quận Hải Châu) vắng lặng lúc 19h. Ảnh: Hồ Giáp

Bình Định: Tại Trường tiểu học số 2 Tam Quang Bắc (phường Tam Quang Bắc, thị xã Hoài Nhơn), có hơn 30 người dân được về trú báo từ trưa. Người dân mang đồ đạc, chăn màn rồi trải chiếu nằm xếp lớp trên nền nhà. Nhiều trẻ nhỏ ôm chặt mẹ cuộn tròn ngủ trong chăn trong khi nhiều người khác ngồi ngóng bão. Chính quyền hỗ trợ mì tôm và nước, sữa để dân lót dạ đêm khuya.

Bên ngoài, mưa càng thêm nặng hạt, gió rít từng đợt kéo dài. Trên các tuyến đường vắng lặng người.

Nằm trên ghế bố, bà Nguyễn Thị Đây, 76 tuổi, trông mệt mỏi. Gió lạnh, bà quấn thêm chiếc chăn mỏng.

Ảnh: Xuân Ngọc

Vợ chồng ông Huỳnh Minh Thư, 72 tuổi thấp thỏm khi thấy trời mưa mỗi lúc một lớn. Vợ chồng già lo cho căn nhà cấp bốn ở gần biển của mình ở phường Tam Quang Bắc, không rõ có bị gió đánh giật sập khi bão vào.

Đánh giá bão diễn biến phức tạp, UBND Bình Định yêu cầu các địa phương trên toàn tỉnh phải túc trực 24/24h Cùng với đó, chính quyền phải sơ tán người dân ra khỏi khu vực thấp trũng, xung yếu tới nơi an toàn.

Tỉnh cũng yêu cầu người dân hạn chế ra khỏi nhà từ 21h hôm nay, cho tới khi hết bão.

XEM THÊM:

Thu gọn
27/09/2022 | 18:05

Phó Thủ tướng kiểm tra phòng chống bão

Chiều nay, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng đại diện một số bộ, ngành, lãnh đạo địa phương thị sát một số địa điểm ở Quảng Trị. 

Sau khi đi kiểm tra, Phó Thủ tướng chủ trì họp rà soát công tác ứng phó bão số 4 tại đầu cầu UBND tỉnh Quảng Trị. 

Phó Thủ tướng cho rằng, dù bão chưa vào nhưng lốc xoáy làm 100 ngôi nhà tốc mái, 3 người bị thương. Quảng Trị vào cuộc kịp thời đưa người gặp nạn đi cấp cứu. 

Ông yêu cầu các địa phương tập trung vào những biện pháp cấp bách trước mắt khi chỉ còn ít thời gian nữa bão sẽ vào. Đồng thời tập trung vào các biện pháp bảo đảm an toàn cao nhất cho người dân, sức khỏe, tính mạng của người dân là hàng đầu. 

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thăm hỏi bà con ở khu neo đậu cảng cá Cửa Việt. Ảnh: Đức Tuân

Phó Thủ tướng và đại diện một số bộ, ngành, lãnh đạo địa phương thăm bà con trú tránh bão tại Trường tiểu học Triệu An, huyện Triệu Phong. Ảnh: Đức Tuân

XEM CHI TIẾT:

Thu gọn
27/09/2022 | 17:58

Hơn 1.500 ngư dân vào trú tránh bão trên đảo Trường Sa

Chiều 27/9, các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa đã đón 152 tàu cá với hơn 1.500 ngư dân vào tránh trú bão.

Các tàu cá thuộc các tỉnh, thành gồm: Quảng Ngãi (36 tàu), Bình Định (53 tàu), Khánh Hòa (10 tàu), Bình Thuận (24 tàu), Quảng Nam (28 tàu), Tiền Giang (1 tàu). 

Cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn gặp gỡ, động viên và tặng quà cho các ngư dân. Ảnh: Nguyễn Ninh.

Theo đại diện huyện Trường Sa, các tàu đã được tổ chức neo đậu tránh trú bão an toàn tại các âu tàu, lòng hồ trên các đảo; cán bộ, chiến sĩ các đảo đã tổ chức tặng quà và cờ Tổ quốc cho các ngư dân.

Ngoài ra, cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn đã gặp gỡ, động viên và tặng quà cho các ngư dân một số nhu yếu phẩm như: mì tôm, dầu ăn, lương thực, thực phẩm trị giá hơn 17 triệu đồng và trao tặng 120 lá cờ Tổ quốc; quân y của đảo tiến hành khám, cấp thuốc cho 27 ngư dân.

Thu gọn
27/09/2022 | 17:25

Đóng cửa 10 sân bay, dừng tàu hỏa

Cục Hàng không hôm nay cũng quyết định dừng khai thác thêm 5 sân bay: Vinh, Đồng Hới, Liên Khương, Tuy Hòa, Buôn Ma Thuột. Trước đó, ngày 26/9, đã tạm dừng khai thác Cảng hàng không Vinh từ 3h đến 16h; Đồng Hới từ 22h ngày 27/9 đến 20h ngày 28/9; Tuy Hòa từ 15h30 ngày 27/9 đến 8h ngày 28/9.

Như vậy, đã có 10 sân bay ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên tạm dừng để ứng phó với bão số 4.

Ngành đường sắt cũng tiếp tục dừng chạy tàu.

XEM TẠI ĐÂY

Thu gọn
27/09/2022 | 17:17

Đà Nẵng đóng các cầu bắc qua sông Hàn

Ghi nhận của PV Hồ Giáp, từ 16h30, Công ty CP Cầu đường Đà Nẵng bắt đầu đóng cầu Thuận Phước. Đây là cây cầu rất cao, nằm sát biển nên sức gió mạnh, việc lưu thông qua cầu Thuận Phước là rất nguy hiểm.

Ngành chức năng đóng cầu Thuận Phước. Ảnh: Hồ Giáp

Sau cầu Thuận Phước, vào 20h30 cùng ngày, Đà Nẵng cũng sẽ cho đóng cầu Sông Hàn, Trần Thị Lý, cầu Rồng, cầu Phò Nam và cầu vượt Ngã ba Huế, áp dụng theo các cấp độ gió.

Thu gọn
27/09/2022 | 16:55

Dừng lưu thông trên cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi từ 22h

Các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động gồm Trung đoàn CSCĐ Trung Bộ, Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 3 đóng quân trên các tỉnh miền Trung gồm Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đã đồng loạt ra quân giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, di dời tài sản đến nơi tránh trú an toàn, cắt tỉa dọn dẹp cây cối...

Cảnh sát giao thông Quảng Bình, Đắk Lắk, Khánh Hòa hướng dẫn các lái xe đường dài tìm nơi tránh bão, không cho đi vào khu vực tâm bão, chờ bão qua mới tiếp tục di chuyển.

Dự kiến, khoảng 22h tối 27/9, không cho phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi.

CSGT giúp người dân di chuyển đến nơi an toàn tránh bão.

Trước đó, trong điện khẩn ứng phó với siêu bão Noru, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) yêu cầu Công an Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi cảnh báo tài xế và người dân không đi vào cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi trong thời gian bão hoạt động. Do trên tuyến này không có khu vực đảm bảo an toàn để dừng, đỗ tránh trú bão trong trường hợp khẩn cấp.

XEM THÊM:

Thu gọn
27/09/2022 | 16:45

Quảng Ngãi cần di dân trước 18h

Chiều 27/9, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã kiểm tra tình hình ứng phó với bão tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi).

Tại đây, ông Hiệp lưu ý, bão số 4 được đánh giá là cơn bão có cường độ mạnh nhất khi đổ bộ vào đất liền trong vòng 20 năm qua. Quảng Ngãi là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề khi bão vào bờ.

Do đó, tỉnh cần tập trung cao độ hoàn thành di dời dân trước 18h ngày 27/9; neo đậu tàu thuyền an toàn và sẵn sàng các phương án hỗ trợ người dân, đảm bảo giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản ở mức thấp nhất có thể.

Thu gọn
27/09/2022 | 16:22

Gio Linh - Quảng Trị: Lốc xoáy nhiều nhà bị sập, tốc mái

16h15, thông tin với VietNamNet, một lãnh đạo thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh, Quảng Trị) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra trận lốc xoáy khiến nhiều nhà bị sập, tốc mái và 2 người dân bị thương.

Sau trận lốc xoáy, nhiều nhà dân bị sập, tốc mái. Ảnh: Minh Thuận
Hiện trường lốc xoáy ở Quảng Trị. Ảnh: Minh Thuận

Mời độc giả xem chi tiết thông tin:

Thu gọn
27/09/2022 | 16:18

Đà Nẵng: Gấp rút sơ tán người dân đến điểm an toàn

Trời mưa to và gió bắt đầu lớn. Công tác ứng phó với bão Noru diễn ra hết sức khẩn trương.

Theo chỉ đạo của TP Đà Nẵng, việc di dời người dân khỏi những vùng xung yếu, trên các ghe thuyền, nhà cửa tạm bợ phải hoàn thành trước 17h để đảm bảo an toàn.

Ghi nhận của phóng viên Hồ Giáp, tại phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), lực lượng công an, quân đội được huy động để di dời người dân sống trong các khu dân cư xuống cấp, nhà cửa tạm đến các trường học để tránh bão.

Người già, trẻ nhỏ được di dời lên ở trong phòng học của trường THCS Phạm Ngọc Thạch (quận Sơn Trà). Ảnh: Hồ Giáp
Lực lượng chức năng tháo dỡ các biển chỉ dẫn tại một nút giao thông trên tuyến đường Ngô Quyền (quận Sơn Trà) để đảm bảo an toàn khi bão đổ bộ. Ảnh: Hồ Giáp 

Tại các điểm trường học, lực lượng chức năng của các địa phương bố trí giường chiếu, lương thực, thực phẩm để phát cho người dân trong thời gian trú tránh bão.

Một chủ nhà hàng ở đường Võ Nguyên Giáp, Đà Nẵng chi 20 triệu đồng thuê 4 xe container đậu xung quanh để chắn bão. 

Những chiếc xe này chạy từ Huế vào Đà Nẵng, mỗi container nặng khoảng 40 tấn. Ảnh: Hoàng Hà

Thu gọn
27/09/2022 | 16:06

Bình Định: Đưa người dân đến trường học tránh bão

Trời càng về chiều, Bình Định mưa mỗi lúc một lớn. Các khu vực ven biển, gió giật mạnh. Chính quyền địa phương ra sức vận động, và đưa người dân sống ở những vùng thấp trũng, nguy hiểm sơ tán tới nơi cao ráo, an toàn.

Tại trường THCS Hoài Hải (xã Hoài Hải, thị xã Hoài Nhơn), phóng viên Xuân Ngọc cho biết, sau khi cho học sinh nghỉ học, nơi đây được bố trí làm các phòng để người dân tập trung tới tránh bão. Trong căn phòng hơn 40m2, bàn ghế được xếp lại, dưới trải chiếu làm nơi cho người dân tới tá túc nghỉ ngơi.

Ông Nguyễn Câm, tới trường THCS Hoài Hải, xã Hoài Hải để tránh bão.

“Chúng tôi đã chuẩn bị 8 phòng học, tuỳ tình hình để bố trí thêm phòng cho bà con”, một nhân viên của trường nói.

Cạnh đó, anh Võ Văn Thiêng (29 tuổi), dẫn cha là ông Nguyễn Câm (75 tuổi), tới trường học tránh bão. Nhà anh Thiêng nằm cách biển hơn 100m2. Căn nhà cấp bốn trông lụp xụp, nên mọi người sợ bão vào sẽ nguy hiểm. Vì thế, anh dẫn cha mình tới trường trước, còn người mẹ sẽ sơ tán sau. Họ mang theo quần áo, chăn màn và thêm thực phẩm.

“Mong bão sẽ tan ngoài biển để không bị ảnh hưởng”, anh Thiên nói, thêm rằng chờ hết bão sẽ trở về để an toàn.

Thu gọn
27/09/2022 | 15:51

Chủ tịch Quảng Nam chỉ đạo khẩn

15h45 tại biển Tam Thanh (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), sóng bắt đầu đánh cao khoảng 2m, mưa trắng trời, gió chưa lớn.

Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thanh Võ Quang Hân cho biết, khoảng từ 14h sóng đã bắt đầu đánh lớn.

Ảnh: Thạch Thảo

“Tại xã Tam Thanh đã có hơn 600 người di dời về các điểm tránh trú của TP Tam Kỳ. Có khoảng 100 người lực lượng công an, quân sự, biên phòng sẽ túc trực 24/24 để phòng những sự cố xảy ra”, ông Hân nói. Một số hộ dân vẫn còn chằng buộc nhà cửa trước khi bão Noru đổ bộ.

Ngay trong chiều nay, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã có chỉ đạo khẩn, trong đó lưu ý bão số 4 với cường độ rất mạnh, sức tàn phá lớn, đang di chuyển nhanh về vùng biển và đất liền, diễn biến bão còn rất phức tạp, khó dự báo. 

Để chủ động ứng phó, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do bão số 4 và mưa lũ sau bão, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu phải đặt mục tiêu đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân lên trên hết, trước hết trong chỉ đạo ứng phó nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người, tài sản của nhân dân và nhà nước.

Ông cũng yêu cầu tập trung hoàn thành công tác di dời, sơ tán nhân dân khỏi các khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản.

XEM THÊM:

Thu gọn
27/09/2022 | 15:17

Đà Nẵng huy động xe thiết giáp ứng phó bão Noru

Trao đổi với VietNamNet, Đại tá Nguyễn Quang Vinh, Phó Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự TP Đà Nẵng cho biết, đã chuẩn bị lực lượng và phương tiện sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 4.

Đại tá Vinh thông tin thêm, hiện nay, tại trụ sở Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố đã tập kết sẵn 4 xe thiết giáp, trong đó có một xe lội nước, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ trong bão Noru.

Xe thiết giáp tập trung tại Bộ chỉ huy quân sự thành phố Đà Nẵng, sẵn sàng ứng cứu dân khi bão Noru đổ bộ

“Khi bão đổ bộ, các xe bọc thép sẽ làm song song hai nhiệm vụ chở lãnh đạo đi thị sát tình hình trong bão và cứu nạn, cứu hộ trong tình huống nhà dân bị nạn, sự cố.

Trong các đợt bão trước đây, xe thiết giáp của Bộ chỉ huy quân sự Đà Nẵng cũng được huy động đi giúp dân”, Đại tá Vinh nói và cho biết chỉ có xe thiết giáp mới di chuyển an toàn trong bão.

Thu gọn
27/09/2022 | 15:05

Bình Định:

Theo phóng viên Xuân Ngọc, tại Bình Định đã có mưa diện rộng toàn tỉnh. Tại phường Tam Quang Bắc (thị xã Hoài Nhơn) nằm ven biển - là một trong địa phương dự báo chịu ảnh hưởng của bão, biển động, sóng dữ dội.

Người dân ở đây cấp tập ứng phó bão. Dọc đường, nhà cửa được chằng chống. Một số tiệm tạp hóa tất bật bán hàng cho người dân tới mua gồm mì và các nhu yếu phẩm thiết yếu.

Mặc áo mưa, giương thang lên cao, ông Anh Tuấn (thị xã Hoài Nhơn) chằng buộc lại mái hiên trước cửa nhà. “Từ hôm qua, tôi đã đưa bao cát lên trên mái nhà, nhưng vẫn chưa an tâm vì sợ bão lớn”, ông Tuấn nói và cho biết, gia đình đã chuẩn bị mọi thứ khi hay tin bão đổ bộ.

Người dân cắt tỉa cây ở thị xã Hoài Nhơn

Thu gọn
27/09/2022 | 14:55

Thừa Thiên - Huế: Không để một ai ở lại trên các tàu, thuyền

Mưa bắt đầu nặng hạt. Trước đó, theo chỉ đạo của UBND tỉnh về việc sơ tán, di dời người dân trước 15h ngày 27/9, chính quyền địa phương phối hợp các đơn vị lực lượng vũ trang tăng cường quân số, hỗ trợ người dân đến nơi tránh trú an toàn.

Trưa cùng ngày, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác của tỉnh Thừa Thiên - Huế đã trực tiếp kiểm tra công tác ứng phó với bão.

Đến khu neo đậu tàu thuyền ở xã Phú Hải (huyện Phú Vang), Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu không để một ai ở lại trên các thuyền từ nay cho đến khi bão tan. Đồng thời lưu ý công tác bảo quản tài sản của ngư dân, không để xảy ra mất cắp.

Công an tỉnh TT-Huế hỗ trợ người dân đến nơi tránh trú. Ảnh: Đình Thành

Thu gọn
27/09/2022 | 14:45

Đà Nẵng: Mưa trắng trời

Ghi nhận của phóng viên Hồ Giáp, Đà Nẵng đang mưa trắng trời, có gió nhẹ. Trên các tuyến đường rất ít phương tiện lưu thông. Thời tiết chuyển xấu, nhiều ô tô phải bật đèn để di chuyển.

Đường phố lúc 14h30. Ảnh: Hồ Giáp

Tại bãi biển trên đường Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa (quận Sơn Trà) bắt đầu có những đợt sóng lớn.

Bãi biển ở Đà Nẵng. Ảnh: Hồ Giáp

Thu gọn
27/09/2022 | 14:40

Thủ tướng yêu cầu an toàn tính mạng người dân trên hết

Sáng 27/9, chủ trì họp khẩn ứng phó với bão số 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, phải đặt mục tiêu bảo đảm an toàn, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết.

Thủ tướng nêu rõ, không còn nhiều thời gian, vì vậy phải cương quyết di dời người dân ra khỏi nơi nguy hiểm, hết sức chú ý bảo vệ các đối tượng yếu thế, học sinh, người già, phụ nữ mang thai, trẻ em, người tàn tật, khách du lịch phải ở lại do bão.

Thủ tướng đặc biệt lưu ý các địa phương chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men cho các khu vực nguy cơ sạt lở, chia cắt, cô lập. Bố trí lực lượng cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống, nhất là trên biển, trên sông và các khu vực bị cô lập, chia cắt.

Từ 12h trưa nay, theo Cảng vụ hàng không miền Trung, các Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài, Cảng Hàng không Pleiku và Cảng Hàng không Phù Cát tạm dừng khai thác từ 12h ngày 27/9 đến 11h59 ngày 28/9.

Riêng Cảng Hàng không Chu Lai tạm dừng khai thác từ 7h ngày 27/9 đến 6h59 ngày 28/9.

XEM CHI TIẾT TẠI ĐÂY:

Thu gọn
27/09/2022 | 14:35

Quảng Nam bắt đầu mưa to

Xem clip đường phố Tam Kỳ:

14h25, TP Tam Kỳ mưa bắt đầu nặng hạt, ít phương tiện đi lại, lác đác một số nhà dân vẫn đang chằng chống nhà cửa.

Đường phố Tam Kỳ 14h30 thưa vắng người qua lại. Mưa bắt đầu to dần lên. Ảnh: Thạch Thảo

Bà Hoàng Lan (TP Tam Kỳ) cho biết, gia đình chủ yếu phụ nữ nên nhờ người quen đến hỗ trợ chằng chống. “Thấy bão lớn cũng lo, năm 2020 bão lớn bay mất mái che của gia đình, năm nay tôi đã hạ xuống. Bây giờ cố gắng gia cố thật chắc chắn cửa để không bị bão đánh”, bà Lan chia sẻ.

Thu gọn
27/09/2022 | 14:05

Huyện đảo Lý Sơn, người dân không ra khỏi nhà từ 10h

XEM CLIP:

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, tại đảo Lý Sơn hiện gió mạnh cấp 8, giật cấp 11, đảo Phú Quý gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi thống nhất từ 12h ngày 27/9, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị nhà nước được nghỉ làm việc cho đến khi có thông báo mới từ cấp có thẩm quyền, trừ những người được thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phân công tham gia phòng chống lụt, bão của cơ quan, đơn vị mình.

Chính quyền huy động xe của doanh nghiệp hỗ trợ sơ tán dân. Ảnh: Đình Thành

Theo lãnh đạo huyện đảo Lý Sơn, từ 10h trưa nay, người dân trên huyện đảo được yêu cầu không ra khỏi nhà, rời nơi cư trú để đảm bảo an toàn, tính mạng. Địa phương cũng lên phương án sơ tán, di dời người dân vào nơi an toàn để tránh bão.

15h: Thông tin với VietNamNet, bà Phạm Thị Hương - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, hiện trên đảo đang mưa rất lớn, gió giật cấp 8 đến cấp 11.

“Công tác di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn đã hoàn tất trong sáng nay. Lãnh đạo địa phương đang chỉ đạo đạo các lực lượng chức năng bám sát diễn biến của bão, lập các tổ công tác tại chỗ để ứng phó kịp thời khi có sự cố không may xảy ra”, bà Hương thông tin.

XEM THÊM:

Thu gọn
27/09/2022 | 14:01

5 địa phương chịu ảnh hưởng nhiều từ bão

5 địa phương Bình Định, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và 3 đảo Lý Sơn, Cù Lao Tràm, Cồn Cỏ sẽ chịu ảnh hưởng nhiều từ bão.

Kịch bản mưa gây ra ngập lụt được đưa ra rất nguy hiểm; một số sông báo động 2, báo động 3. Khu vực miền Trung gồm 3 tỉnh trọng tâm Quảng Nam (6/18 huyện), Quảng Ngãi (6/11 huyện), Thừa Thiên Huế (4/8 huyện) có thể ngập 0,3-0,6m.

Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia đặc biệt lưu ý: "Cấp độ rủi ro thiên tai hiện đang cao nhất là cấp 4 với 5 địa phương, bão đang cấp 14-15, nếu tình huống từ nay đến chiều tối bão tăng thêm một cấp lên cấp 16 tức là đạt cấp siêu bão, thì mức độ rủi ro tăng lên cấp 5. Cần sẵn sàng tất cả phương án có thể xảy ra".

Thu gọn