Đến 4h sáng nay (8/10), vị trí tâm bão số 4 Koinu ở vào khoảng 21,4 độ Vĩ Bắc; 114,7 độ Kinh Đông, cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 120km về phía Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149km/h), giật cấp 16, di chuyển chậm theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 5km/h.
Như vậy, hơn 1 ngày qua, bão liên tục có sức gió mạnh đến cấp 13, giật cấp 16 trên Biển Đông và hầu như ít dịch chuyển.
Tối qua (7/10), trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết - Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, trong hôm nay, cường độ bão Koinu (bão số 4) suy yếu dần, nhưng tốc độ dịch chuyển vẫn ở mức chậm, có xu hướng lệch về phía Nam.
"Khi tiến sát đến đảo Lôi Châu (Trung Quốc) vào khoảng ngày 9/10, bão sẽ suy yếu nhanh đáng kể, xuống cấp 8-9 và sau đó thành vùng áp thấp, đi vào khu vực Vịnh Bắc Bộ", ông Hưởng nhận định.
Theo bản tin sáng nay của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đến 4h ngày 9/10, vị trí tâm bão cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 300km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão giảm còn cấp 10-11, giật cấp 14, di chuyển chậm theo hướng Tây khoảng 5km/h và suy yếu dần.
Trong 24 giờ sau đó, vẫn với tốc độ trên nhưng bão đổi hướng di chuyển, theo hướng Tây Tây Nam. Lúc này, vị trí tâm bão cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 140km về phía Đông, sức gió giảm còn cấp 8-9, giật cấp 12 và suy yếu thêm.
Đến 4h ngày 11/10, vị trí tâm bão trên vùng biển phía Tây Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, di chuyển theo hướng Tây Nam với tốc độ 10km/h, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Từ 72 đến 96 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km suy yếu thành một vùng áp thấp.
Do ảnh hưởng của bão số 4, trong 24 đến 48 giờ tới, thời tiết vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 7-9, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 10-12, giật cấp 14; biển động dữ dội; sóng cao 2-4m, riêng vùng biển phía Bắc 4-6m, vùng gần tâm bão 6-8m. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên khu vực này đều chịu tác động của gió bão mạnh.
Trưởng phòng Dự báo thời tiết Nguyễn Văn Hưởng nhận định thêm, từ nay đến cuối năm 2023 còn 2-4 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó 1-2 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Theo ông Hưởng, năm nay, số lượng bão, áp thấp nhiệt đới thấp hơn so với trung bình nhiều năm (khoảng 10-13 cơn bão ngoài Biển Đông, trong đó, một nửa tác động đến đất liền). Đến nay, nước ta đã chịu 4 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới.
Ngoài ra, trên đất liền, chuyên gia cho biết ngày 7/10, một đợt không khí lạnh yếu đầu mùa ảnh hưởng đến các tỉnh, thành phố miền Bắc. Hình thái này kết hợp với hội tụ gió trên cao gây ra đợt mưa lớn diện rộng cho khu vực, đặc biệt vùng núi có nơi xuất hiện mưa lớn gây thiệt hại về người như ở Yên Bái.
Ông Hưởng thông tin, trong hôm nay, thời tiết Bắc Bộ tiếp tục nằm sâu trong khối không khí lạnh nên nền nhiệt tiếp tục giảm, thời tiết mát mẻ, dễ chịu.
Đồng thời, ngày và đêm nay, mưa rào và giông mở rộng ra khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 70mm. Người dân cần đề phòng nguy cơ mưa vừa, có nơi mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất.
Tại Tây Nguyên và Nam Bộ, mưa giông cũng duy trì nhiều ngày tới do tác động của gió mùa Tây Nam.