- Sau lùm xùm về nhà triển lãm Việt Nam tại Expo Milan 2015, một lần nữa câu chuyện về sự giống nhau giữa Bảo tàng Hà Nội và Bảo tàng nghệ thuật đương đại Trung Quốc (China Art Palace) tại Thượng Hải lại được bàn đến.
China pavilion và sau này là China Art Museum (hay China Art Palace) |
Người viết bài đã từng có mặt cùng đoàn các nhà báo Asean tham quan triển lãm Expo 2010 tại Thượng Hải. China pavilion nằm ở trung tâm Expo 2010 và là một trong những công trình bề thế nhất ở cả vẻ ngoài lẫn bên trong. Với màu sơn đỏ đặc trưng của văn hóa Trung Hoa cùng hình kim tự tháp ngược, China pavilion gây ấn tượng từng được gọi là 'vương miện Phương Đông' bởi hình dáng giống chiếc vương miện. Quá trình xây dựng bắt đầu từ tháng 12 năm 2007 và hoàn thành vào tháng 9 năm 2009 sau khi lựa chọn từ 344 thiết kế gửi đến từ khắp nơi trên thế giới.
Kiến trúc sư trưởng của công trình này là ông He Jingtang, một kiến trúc sư 72 tuổi lúc đó đang là giám đốc của viện hàn lâm kiến trúc thuộc ĐH công nghệ Nam Trung Hoa. Đây cũng là công trình đắt giá nhất tại Shanghai Expo với chi phí ước tính lên tới 220 triệu USD. Ngày 30/4/2010, China pavilion chính thức mở cửa đón công chúng trong 6 tháng. Tới 1/10/2012 nó được mở cửa trở lại với cái tên China Art Museum cũng là bảo tàng nghệ thuật lớn nhất châu Á.
Toàn cảnh Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: Julia Ackermann |
Đây là công trình do công ty Đức gmp – von Gerkan, Marg and Partners - cũng là đơn vị thiết kế Nhà Quốc Hội mới thực hiện. Công ty đến từ Đức này đã giành giải nhất trong cuộc thi thiết kế quốc tế bảo tàng Hà Nội vào năm 2005. Ngày 19/5/2008, Bảo tàng Hà Nội chính thức khởi công. Sau hơn 2 năm xây dựng, Bảo tàng Hà Nội đã kịp hoàn thành vào đúng dịp 10/10/2010 nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội với số vốn lên tới 2300 tỉ đồng. Công trình này cũng có hình thức giống kim tự tháp ngược và có thời gian xây dựng không lâu sau China pavilion.
Khi Bảo tàng Hà Nội chính thức ra mắt, đã có nhiều ý kiến nhận định cảm quan rằng công trình này giống hệt China pavilion tại Shanghai Expo 2010 khi đó vẫn chưa kết thúc giai đoạn mở cửa. Tuy nhiên ý kiến này nhanh chóng bị bác bỏ bởi ngoài hình dáng có vẻ giống nhau thì hai công trình này có kiến trúc khác nhau, đặc biệt về kết cấu và chi tiết. Người viết cũng đã có dịp đến cả hai công trình này và thấy điều này càng rõ hơn. Hơn nữa, hai công trình gần như xây dựng cùng thời điểm nhưng thiết kế phải được phê duyệt trước đó khá lâu, rất khó để ăn cóp của nhau.
Gần đây, cùng với lùm xùm quanh nhà triển lãm Việt Nam tại Expo Milan 2015, 'sự giống nhau' giữa Bảo tàng Hà Nội và Bảo tàng nghệ thuật Trung Quốc mà trước đó là China pavilion tại Shanghai Expo 2010 một lần nữa được khơi lại.
So sánh hình thức bên ngoài giữa China Art Museum (hay China Art Palace) và Bảo tàng Hà Nội |
VietNamNet đã liên hệ với KTS Lý Trực Dũng, người có nhiều năm làm việc tại Đức và cũng từng được mời tham gia thiết kế nhà triển lãm Việt Nam tại Expo 2000 tổ chức tại Đức. Tuy nhiên vì một số lý do ông đã rút khỏi dự án này. KTS, họa sĩ Lý Trực Dũng cũng có biết đến gmp – von Gerkan, Marg and Partners - đơn vị thắng thiết kế Bảo tàng Hà Nội 7 năm trước.
Ông đã đưa ra nhiều ví dụ về sự giống nhau giữa các tác phẩm tranh biếm họa, trong đó có sự giống nhau kỳ lạ giữa một tác phẩm ông vẽ hàng chục năm với 1 tác phẩm điêu khắc trưng bày tại Đức năm 1996. Ông đã giật mình vì sự trùng hợp ý tưởng này dù giữa ông và tác giả điêu khắc trên không hề biết nhau và sáng tác cách xa thời điểm lẫn không gian. Nói như vậy để thấy nhiều công trình của các tác giả khác nhau, ở thời điểm khác nhau rất có thể có điểm tương đồng.
Khi được hỏi về ý kiến cho rằng Bảo tàng Hà Nội và bảo tàng nghệ thuật Trung Quốc giống nhau vì cùng có hình kim tự tháp lộn ngược, KTS, họa sĩ Lý Trực Dũng cho biết thực ra nếu nói sự giống nhau về hình thức giữa các công trình kiến trúc rất vô cùng. Bởi hoàn toàn có chuyện hai bên cùng có chung ý tưởng. 'Sự giống nhau có thể có nhưng đừng vội kết luận ai ăn cắp của ai quá nhanh', ông nói.
'Điều tôi muốn nói là các kiến trúc sư rất có tự trọng. Nếu họ ăn cắp thiết kế thì sớm muộn cũng không thể đứng vững trong nghề. Các công trình nếu có sự giống nhau thì cần phải căn cứ vào thời điểm thực hiện. Trong trường hợp này cần căn cứ vào thời gian xây dựng của hai công trình. Bảo tàng Hà Nội khánh thành năm 2010 tức là đã phải xây dựng từ trước vài năm, trước đó thì cần một thời gian nữa để chọn thiết kế. China pavilion cũng mở cửa vào năm 2010 nên đã phải thực hiện từ vài năm trước". KTS, họa sĩ Lý Trực Dũng.
Hình ảnh cận về các chi tiết trang trí bên ngoài của nhà triển lãm Trung Quốc chụp tháng 5/2010 tại Expo Thượng Hải. Ảnh: Hạnh Phương |
Căn cứ vào thời gian thực hiện và các đặc điểm kiến trúc thì khó có thể khẳng định bảo tàng Hà Nội có kiến trúc của nhà triển lãm Trung Quốc. Thêm nữa, khi đánh giá hai công trình kiến trúc thì không thể chỉ dựa vào đặc điểm bên ngoài để kết luận chúng copy nhau.
Hạnh Phương