Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) là nơi có rừng nguyên sinh trên núi đá vôi lớn nhất Việt Nam, là “ngôi nhà” của nhiều loại động, thực vật của 3 miền Bắc - Trung - Nam. Đây được coi là nơi có tính đa dạng sinh học cao vào bậc nhất của Việt Nam.

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ hai theo 2 tiêu chí: đây “là những ví dụ nổi bật đại diện cho các quá trình sinh thái và sinh học trong sự tiến hóa và phát triển của các hệ sinh thái trên cạn, nước ngọt, biển và ven biển và các cộng đồng động thực vật”; đây cũng là nơi “sở hữu các môi trường sống tự nhiên quan trọng và có ý nghĩa nhất đối với việc bảo tồn tại chỗ đa dạng sinh học, kể cả những nơi sở hữu các loài bị đe dọa có giá trị nổi bật toàn cầu xét dưới góc độ khoa học hoặc bảo tồn”.

{keywords}

Chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học tại nơi được công nhận là một trong 200 trung tâm có giá trị đặc biệt về đa dạng sinh học trên thế giới, trong những năm qua, Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đã tiếp tục nghiên cứu, ghi nhận thêm 206 loài, số liệu cập nhật được 2.951 loài thực vật, 1.287 loài động vật, trong đó 154 loài động vật có vú; phát hiện bổ sung 57 hang động mới, nâng tổng số các hang động đã được khảo sát lên 253 hang với tổng chiều dài là 250 km.

Cùng với đó, Ban Quản lý Vườn cũng ứng dụng công cụ giám sát diễn biến của các loài nguy cấp và tiến hành giám sát, điều tra thực địa 3 loài chủ chốt là vượn siki, chà vá chân nâu, voọc Hà Tĩnh tại khu vực vườn quốc gia. Chỉ tính riêng trong tháng 12/2014, trên địa bàn đã xuất hiện 16 đàn với 49 cá thể vượn siki (Nomacus siki), 10 đàn với 83 cá thể chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus), 15 đàn với 68 cá thể voọc Hà Tĩnh (Trachypithecus hatinhensis) trên các tuyến khảo sát tại một số khu vực U Bò, Trộ Mợng, Khe Gát, Chà Nòi, Thượng Hóa, Dân Hóa... Đặc biệt, vào tháng 4/2016, Ban Quản lý Vườn ghi nhận 26 đàn Vượn siki; 7 đàn chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus); 8 đàn voọc Hà Tĩnh; 1 đàn khỉ vàng và 6 đàn khỉ mặt đỏ.

Bên cạnh công tác giám sát chặt chẽ, Ban Quản lý còn “mạnh tay” với những vụ săn bắt, buôn bán vận chuyển động vật rừng trái phép. Thống kê cho thấy, từ năm 2015 đến nay, Ban Quản lý Vườn đã lập hồ sơ và ra Quyết định xử lý 85 vụ vi phạm liên quan đến động vật rừng, cụ thể: 32 vụ vận chuyển động vật rừng trái pháp luật, 37 vụ động vật rừng không có người nhận, 1 trường hợp cất giữ động vật rừng trái pháp luật, 6 vụ bẫy bắt động vật rừng và 9 vụ khởi tố hình sự về hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Đồng thời, đơn vị đã tịch thu 158 cá thể động vật rừng, 151,4kg bộ phận động vật rừng các loại.

Mặt khác, để bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học, Ban Quản lý Vườn đã thành lập 3 trạm kiểm lâm, 22 nhóm bảo tồn thôn, bản; thực hiện các chương trình nâng cao nhận thức bảo tồn cho 13 xã vùng đệm...

Với các hoạt động này, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng là nơi chốn yên bình cho các loài động thực vật sinh sôi, nảy nở.

Theo Tài nguyên môi trường