Múa Nộc Niệc là điệu múa đã có từ xa xưa, nhưng mãi đến năm 1989 mới được những người cao tuổi ở vùng đất Hà Vị (nay là xã Quân Hà) sưu tầm.
Nộc Niệc là tên gọi tiếng Tày của chim phượng hoàng đất, loại chim có thật, màu đen, mỏ vàng, có thể to bằng con ngan, thậm chí bằng cả con ngỗng. Sở dĩ người ta đặt tên cho thể múa này như vậy bởi phượng hoàng là một con trong bộ Tứ linh. Song sự khác nhau ở chỗ phượng hoàng đất không phải con vật được xây dựng trên cơ sở óc tưởng tượng của con người như phượng hoàng trong bộ Tứ linh mà ta vẫn thấy.
Theo truyền thuyết, xưa có nàng Vo, nàng Ve xinh đẹp đã đánh bại thủy thần, cứu nguy cho dân lành. Vua Thủy tề tức giận tạo lụt lớn, thuồng luồng theo sông, theo suối lên bắt người, núi đồi lở sạt tan tành như thóc rang nổ mà người Tày vẫn dùng làm bánh “khẩu thuy”. Nàng Vo, nàng Ve đã ra tay chặn đánh thủy thần đưa dân chạy lên hướng Tây - Bắc dãy núi Pja Bjoóc (Núi Hoa) bây giờ. Từ đó người ta đã lấy khẩu phéc (bỏng gạo) trộn đường phên làm thành bánh tượng trưng cho việc gắn lại đất đá, nặn thành các con vật trong múa Nộc Niệc thể hiện sự hòa hợp tự nhiên để mừng xuân.
Theo các cụ cao niên vùng Hà Vị, múa Nộc Niệc thực chất là múa xông đất, cầu mùa, cầu an lành cho người dân bản khắp mường trên, mường dưới. Ngày xưa, múa Nộc Niệc được tổ chức cả tháng nhưng ngày nay đã rút gọn xuống còn một ngày, nhằm ngày 11 tháng Giêng hằng năm của xã Hà Vị. Màn hóa thân thành muông thú luôn thu hút được đông đảo người dự hội. Múa Nộc Niệc không chỉ đơn thuần để vui văn nghệ mà còn là nghi thức không thể thiếu để có thể khai hội Lồng Tồng (xuống đồng) tại địa phương. Thêm nữa, điệu múa này cũng chính là để cảm ơn thần linh một năm qua đã phù hộ cho cuộc sống người dân yên bình, nhắc nhở con cháu cần biết ơn công lao dưỡng dục của các đấng sinh thành.
Trần Chung, Thu Hà, Trần Tuấn Anh