Nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng người Mỹ – Clyde Kiuckhohn cho rằng: “Văn hóa của một cộng đồng được phản chiếu qua không gian sống của họ”. Nhận định này tỏ ra chính xác và càng có ý nghĩa đối với vùng đất Tây Nguyên nói chung và Buôn Ma Thuột nói riêng, bởi lẽ văn hóa ra đời trên nền tảng của không gian sinh tồn – và đối với một cộng đồng dân tộc thiểu số ở đây thì không gian sinh tồn cũng là không gian văn hóa và ngược lại.
“Không gian văn hóa buôn làng” dần nhạt nhoà
Tây Nguyên là nơi sinh tụ lâu đời của nhiều dân tộc thiểu số thuộc hai ngữ hệ Môn-Khơme và Malayo-Pôlinêdiêng, chủ nhân của những nền văn hóa độc đáo và đặc sắc: văn hóa rừng, văn hóa nương rẫy, văn hóa cồng chiêng, văn hóa cafe, hạt tiêu, văn hóa trường ca và các chiến binh người Thượng. Đặc biệt, Tây Nguyên còn là vùng đất của nhà rông, của nghệ thuật điêu khắc gỗ thấm đẫm tính nhân bản và triết lý cuộc đời.
Với Tây Nguyên, buôn làng là không gian văn hóa cơ bản và đặc trưng nhất, nếu đánh mất hoặc khiến không gian ấy mai một thì khả năng (nội lực) để thích ứng với môi trường tự nhiên, xã hội chung quanh trong tiến trình phát triển sẽ rất hạn chế và gặp nhiều khó khăn.
Cách nay ít năm, nhóm nghiên cứu Tạ Hoàng Vân, Vũ Ðình Thành, Nguyễn Minh Ðức và các cộng sự đã tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá kiến trúc nhà ở truyền thống đồng bào dân tộc Tây Nguyên tại 4 tỉnh (Kon Tum, Gia Lai, ÐăkLăk, Lâm Ðồng) với các dân tộc Êđê, Xơđăng, Mnông, Mạ, Cơho, Churu, Giẻ triêng, Bana, Giarai. Từ đó rút ra một vài đặc điểm trong kiến trúc Tây Nguyên.
Nghiên cứu cho thấy, khu cư trú của đồng bào tập trung ở vùng thấp: gồm các địa hình cao nguyên, thung lũng, các dãy đồi đỉnh tròn, dốc thoải nơi cư trú của đồng bào Gia rai, Êđê, Bana, Cơho.
Các thành phần kiến trúc truyền thống trong buôn làng như sau: Làng có chiều hướng bố cục thoi dần về phía nguồn nước: Ðường vào > cổng làng > đường làng nhà Rông > nhà sàn > nhà kho >ruộng > sông và một số thành phần kiến trúc phụ trợ khác.
Nhà Rông- nhà cộng đồng được coi là sản phẩm kiến trúc truyền thống biểu tượng cho giá trị của làng, còn kỹ thuật cất dựng đến trang trí đều thể hiện tài nghệ của người nghệ sĩ dân gian. Ngày nay, đồng bào gọi ngôi nhà công cộng, nhà Rông là nhà cộng đồng (community house) bởi các bon đã trở thành các làng văn hóa.
Nhà ở: nhà sàn dài, nhà sàn ngắn, nhà trệt (nhà đất). Có dân tộc sống ở cả 3 dạng nhà này, cũng có dân tộc chỉ ở 1 hoặc 2 dạng. Cách sinh sống này còn phụ thuộc vào các nhóm khác nhau của mỗi tộc người. Mỗi làng có từ 10 đến vài chục nóc nhà. Xu hướng ngày nay, các tộc người ưa sinh sống trong những nhà sàn ngắn/nhỏ (gia đình nhỏ), một số vẫn thích ở nhà đất. Dạng nhà nửa sàn nửa đất (X đăng) ít gặp ở Tây Nguyên.
Và không thể thiếu các thành phần phụ trợ làm phong phú, sinh động và hài hòa cảnh quan buôn làng xứ Thượng như: cổng làng, hàng rào, nhà mồ, nhà cúng, nghĩa địa, kho thóc, lều, chòi trên rẫy, bến nước, suối, rừng, đất canh tác.
Trong không gian ấy, con người tồn tại với tư cách là một chủ thể văn hóa – tương tác với môi trường tự nhiên xung quanh; lựa chọn các mô hình sản xuất, hình thành sinh kế; định hình các khuôn mẫu ứng xử; sáng tạo và trao truyền các giá trị truyền thống nhằm đảm bảo tính liên tục về lịch sử, văn hóa cho mỗi cá nhân cũng như cộng đồng.
“Không gian văn hóa buôn làng” ở đây luôn được đề cao, tôn trọng trong vai trò sáng tạo, thực hành, nuôi dưỡng và trao truyền các giá trị văn hóa của cộng đồng. Không gian này được cấu thành bởi bốn nhân tố có mối liên hệ tương hỗ (không gian sản xuất, không gian cư trú, không gian sinh hoạt cộng đồng và không gian sinh hoạt tín ngưỡng).
Trong cấu trúc ấy, không gian sản xuất đóng vai trò quan trọng nhất, nếu nó càng bị đẩy lùi và thu hẹp thì những không gian tương hỗ khác sẽ thay đổi theo chiều hướng tiêu cực hơn, nhất là về vốn văn hóa cổ truyền của các tộc người tại chỗ.
Tính cách bảo tồn "không gian văn hoá buôn làng"
Tuy nhiên, cùng với những thay đổi của đời sống, đến nay đã có nhiều buôn trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột lần lượt biến đổi do cấu trúc không gian đã thay đổi. Đặc biệt là không gian sản xuất ở đây không còn nguyên vẹn như ngày xưa khiến nếp sống, sinh hoạt hằng ngày đã khác trước rất nhiều.
Thậm chí, nhiều người cho rằng, chỉ cần không đến đó trong thời gian ngắn sẽ không nhận ra gương mặt vốn rất giàu bản sắc của buôn làng truyền thống nữa, bởi không gian sống (và cũng là không gian lịch sử, văn hóa) độc đáo, đặc sắc ấy trở nên nhạt nhòa.
Trước đây khoảng chừng 10 – 15 năm thôi, những ngôi nhà dài, bến nước vẫn còn khá nhiều và được bà con giữ gìn hầu như nguyên vẹn. Vườn nhà nào cũng rộng vài ba héc-ta để có điều kiện sản xuất, tăng gia phục vụ đời sống vật chất cũng như tinh thần của mỗi gia đình và cộng đồng. Bây giờ thì khác, vườn tược được chia nhỏ, nhà xây hiện đại cùng với nhiều công trình, dịch vụ mọc lên và ken dày,
Quá trình biến đổi không gian văn hóa buôn làng hiện nay đang đặt ra nhiều suy ngẫm không thể bỏ qua, trong đó nổi lên những vấn đề cốt lõi, cần phải được lưu tâm và giải quyết đồng bộ – đó là tạo điều kiện, đáp ứng nhu cầu bảo tồn của các cộng đồng dân tộc tại chỗ; tính cấp thiết của việc quy hoạch bảo tồn không gian văn hóa buôn làng như một bộ phận của không gian quy hoạch đô thị mà chính quyền địa phương phải tôn trọng, hướng tới trong những quyết sách xây dựng và phát triển; khắc phục tình trạng thiếu gắn kết giữa các cơ quan quản lý nhà nước với nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc gìn giữ, tôn tạo không gian văn hóa buôn làng, dẫn đến lãng phí, kém hiệu quả ở các dự án bảo tồn trong thời gian qua, cũng như hiện tại.