Mời quý vị độc giả theo dõi video:
Trong đời sống văn hoá của đồng bào Khmer, ngũ âm được xem là linh hồn âm nhạc gắn liền với con người Khmer từ lúc sinh ra đến khi về với trời đất.
Tại TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, bên cạnh nhạc công là người bình thường, có những đội nhạc công chơi nhạc ngũ âm đều là người khiếm thị. Họ đã góp phần bảo tồn và phát triển loại hình âm nhạc truyền thống đặc sắc của người Khmer.
Những nhạc công khiếm thị này được đào tạo từ Chương trình hỗ trợ nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng và chất lượng cuộc sống cho người khiếm thị tỉnh Sóc Trăng, do Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng tổ chức.
Năm 2007, Hội Người mù tỉnh được Quỹ Hỗ trợ bảo tồn văn hóa vùng và dân tộc ít người (Đan Mạch) tài trợ dàn nhạc ngũ âm. Từ nền tảng ấy, 3 lớp học dạy đánh nhạc ngũ âm cho người khiếm thị lần lượt được tổ chức với tổng số 22 lượt hội viên tham gia đào tạo.
Kết thúc khóa học, các học viên đều chơi nhạc rất hay và tích cực tham gia vào Câu lạc bộ âm nhạc của Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng. Nhiều hội viên biểu diễn chuyên nghiệp nhạc ngũ âm trong các chương trình giao lưu văn nghệ của Hội hay tại Lễ hội Ooc Om Bok tỉnh Sóc Trăng các năm 2017, 2019 và 2022. Phần lớn, các học viên khiếm thị lớp nhạc ngũ âm đều là người Khmer.
Người phụ trách giảng dạy nhạc ngũ âm cho các nhạc công đặc biệt này là nghệ nhân Lâm Minh Cường. Ông đang công tác tại Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng.
Bên cạnh truyền dạy kỹ năng cơ bản, ông thường xuyên chia sẻ về ý nghĩa, giá trị của nhạc ngũ âm, chỉ dạy các kỹ năng giao tiếp và biểu diễn, giúp học viên có kỹ năng biểu diễn tốt hơn.
Ban đầu khi mới nhận lớp, nghệ nhân Lâm Minh Cường do dự vì chưa nắm được cách tiếp cận âm nhạc của người khiếm thị. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với các học viên, nhận thấy niềm đam mê và năng khiếu của họ, mọi lo lắng dần được xóa bỏ. Dù không may mắn nhìn được nhưng họ lại có đôi bàn tay và đôi tai nhạy cảm tuyệt vời.
Nghệ nhân Lâm Minh Cường mày mò tìm cách truyền dạy cho họ, từ truyền đạt bằng lời nói đến cầm tay hướng dẫn, cảm nhận nhạc cụ… Đến nay, tâm huyết và tấm lòng của ông dành cho học trò được đền đáp khi những ngón đàn điêu luyện của các học viên cất lên, thu hút người nghe. Đội nhạc ngũ âm người khiếm thị đã chiếm được cảm tình của khán giả khi tham gia biểu diễn tại các sự kiện cộng đồng.
Các học viên tham gia lớp học nhạc ngũ âm có cơ hội tham gia nhiều liên hoan âm nhạc dành cho người khiếm thị. Nhạc ngũ âm không chỉ giúp họ thỏa niềm đam mê mà còn giúp hòa nhập vào cộng đồng, thể hiện giá trị của bản thân đối với xã hội.
Các lớp đào tạo, dạy đánh nhạc ngũ âm cho người khiếm thị đã mang đến món ăn tinh thần rất có ý nghĩa cho hội viên, góp phần bảo tồn và phát huy âm nhạc truyền thống đặc sắc của người Khmer.
Một số hội viên chơi nhạc điêu luyện đã được các đoàn mời đi đánh nhạc ngũ âm tại các buổi tiệc hay lễ hội, mang lại nguồn thu nhập cá nhân. Thông qua Dự án truyền dạy âm nhạc cho người khiếm thị, cộng đồng sẽ hiểu và đánh giá cao hơn về ý chí và năng lực của người khiếm thị khi họ được trao cơ hội học tập và làm việc bình đẳng.
Quỳnh Nga - Xuân Quý