Sáng 25/10, ghi nhận của PV.VietNamNet, tại âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) – một trong những trung tâm nghề cá lớn nhất của miền Trung - tàu đánh cá của các địa phương Quảng Ngãi, Bình Định, Đà Nẵng... tấp nập vào bờ tránh trú bão Trà Mi (bão số 6).
Dọc tuyến đường Lê Đức Thọ, vịnh Đà Nẵng (quận Sơn Trà) ngư dân thả neo, dùng dây thừng buộc chặt tàu để tránh va đập khi gió bão. Khu vực cảng cá và âu thuyền Thọ Quang xếp kín tàu cá của ngư dân miền Trung.
Tại cầu cảng Đồn Biên Phòng Sơn Trà, từ chiều 24/10 đến sáng nay hàng trăm xuồng máy, thuyền thúng được ngư dân thuê xe cẩu lên dọc vỉa hè đường Hoàng Sa. Ở khu vực cửa sông Hàn, các tàu đánh cá công suất nhỏ của Đà Nẵng cũng di chuyển vào sâu phía trong để neo đậu.
Gom lưới đưa về nhà, ngư dân Trần Văn Ba (58 tuổi, ngụ phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) cho biết, ông đã thuê xe cẩu thuyền thúng lên bờ. Theo ông Ba, dù bão số 6 còn ở vị trí xa nhưng mọi người không chủ quan, từ chiều qua đến nay người dân tranh thủ trời còn nắng ráo để đưa thuyền lên bờ.
Trong sáng nay, các công nhân Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng, Công ty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng cũng khẩn trương chằng chống các tụ điện, khơi thông cống rãnh trên các tuyến phố và cắt tỉa cây xanh chống bão.
Trưa cùng ngày, ông Lê Văn Tuyến - Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng cho biết, tính đến 11h, Bộ đội biên phòng TP đã thống kê được 1.155 phương tiện/8.276 lao động neo đậu tại các bến. Đến trưa nay Đà Nẵng còn 4 tàu thuyền với 40 lao động đang hoạt động trên biển.
Hiện các phương tiện đang hoạt động trên biển đã nắm được diễn biến, hướng di chuyển của bão số 6. Bộ đội biên phòng thành phố duy trì thông tin, liên lạc với các tàu thuyền để kêu gọi vào bờ để trú tránh an toàn.
Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng đã đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố chủ động theo dõi diễn biến bão để cấm biển. Sở GD&ĐT phối hợp với UBND các quận, huyện căn cứ tình hình thực tế để quyết định cho học sinh, sinh viên và học viên nghỉ học theo từng khu vực...
Tại Quảng Nam, sáng 25/10, UBND tỉnh đã có công điện giao Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Sở NN&PTNT và các địa phương ven biển rà soát, triển khai những biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản ven biển, cửa sông.
Kiên quyết sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp.
Đồng thời tổ chức việc cấm biển đối với tàu cá, tàu khách, tàu du lịch ra, vào các cửa biển, bãi ngang trên địa bàn từ 10h ngày 25/10 cho đến khi bão tan và tình hình thời tiết trên biển trở lại bình thường.
Ghi nhận của PV, trưa nay, tại âu thuyền xã Tam Quang (huyện Núi Thành, Quảng Nam), rất đông tàu cá của ngư dân đã về tập trung về đây neo đậu. Lực lượng chức năng liên tục tuần tra nhắc nhở ngư dân neo đậu tàu thuyền cẩn thận, nhằm hạn chế thiệt hại khi bão đổ bộ.