Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là nơi đang lưu giữ hai cánh cửa chạm rồng, được coi là bộ cửa đẹp nhất trong số các cánh cửa kiến trúc cổ Việt Nam. Đây là bộ cánh cửa chính của tam quan nội chùa Keo, Thái Bình.
Bộ cánh cửa được tạo từ hai cánh hình chữ nhật, mỗi cánh cửa được ghép bằng 4 miếng gỗ nhỏ. Mỗi cánh chạm một hình rồng lớn, một hình rồng nhỏ và một hình nghê. Đôi rồng lớn trong thế vươn mình hướng lên chầu vào giữa. Đồ án rồng ở đây được thể hiện qua bố cục đăng đối “Lưỡng long chầu nhật” khi hai cánh cửa hợp lại. Thế uốn cong của đôi rồng kết hợp tạo thành hình lá đề; kỹ thuật chạm lọng điêu luyện, tạo được nhiều lớp không gian có chiều sâu.
Hai cánh cửa chạm rồng của chùa Keo là kiệt tác chạm khắc gỗ thế kỉ 17, được coi là bộ cửa đẹp nhất trong số các cánh cửa kiến trúc cổ Việt Nam. (Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) |
Trong rừng mây cách điệu hình đao mác kéo dài vút cao kéo từ đầu và các khuỷu chân rồng, các cặp rồng con, nghê con ẩn hiện, sắp đặt đối xứng nhau qua trục chính giữa cửa. Ý nghĩa biểu tượng thông qua một rừng mây đao mác (sấm, chớp, tia sáng, lửa…) cùng rồng, nghê chầu mặt trời hợp lại như biểu tượng cho một bầu trời đầy dương/sinh khí/lực trong ước vọng cầu phồn thực của cư dân Việt.
Hiện vật có giá trị đặc biệt, là một thành phần kiến trúc có giá trị nghệ thuật tiêu biểu cho hình thức chạm khắc trang trí cửa của các di tích kiến trúc nghệ thuật trấn Sơn Nam (Vùng đất phía Nam Thăng Long từ thời Lê Sơ đến nhà Nguyễn). Tác phẩm có kích thước lớn nhất, nguyên vẹn, là một đồ án lưỡng long chầu nhật hoàn chỉnh và có hình thức nghệ thuật chạm khắc đặc trưng của nghệ thuật chạm khắc thế kỷ 17.
Hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2017.
Tình Lê