Bảo vật quốc gia bia Vĩnh Lăng tại khu di tích Lam Kinh (Thanh Hóa) là tài liệu quý về nghệ thuật trang trí, điêu khắc thời Lê sơ, mang giá trị giáo dục truyền thống.
Đến khu di tích lịch sử Lam Kinh, du khách không thể bỏ qua Bảo vật quốc gia Lam Sơn Vĩnh Lăng bi (bia Vĩnh Lăng), được đặt ở phía Tây Nam khu Chính điện Lam Kinh, cách mộ vua Lê Thái Tổ khoảng 300m.
Văn bia nặng 18 tấn, gồm hai phần: bia phía trên và rùa phía dưới làm từ đá trầm tích xám xanh lẫn đốm trắng, bề mặt rùa và bia còn nhiều vỏ nhuyễn thể.
Văn bia hình chữ nhật đặt trên lưng rùa, trán bia vòng cung, mặt trước chính giữa khắc hình vuông bao quanh hình tròn, giữa hình tròn chạm rồng nổi 5 móng. Hai bên cạnh trán bia mỗi bên chạm nổi hình một con rồng và hình tròn bên trong có rồng cuộn đầu vươn cao.
Xung quanh diềm bia có hai đường chỉ nổi chạy song song với nhau nối từ đỉnh xuống đế bia, giữa hai đường chỉ bên trong trang trí 9 hoa văn hình nửa lá đề. Trong mỗi nửa lá đề được khắc một hình rồng nổi, có vảy, thân uốn lượn mềm mại, đầu rồng hướng vươn lên đỉnh bia, miệng nhả ngọc. Khoảng cách giữa các hình lá đề đều được chạm khắc xen kẽ hình hoa cúc dây...
Mặt trước bia khắc khoảng 750 chữ Hán theo lối chữ Chân, do Nguyễn Trãi soạn. Mặt sau giữa trán khắc hình chữ nhật, hai bên khắc hình rồng, thân dài, trơn, không có vảy, đang uốn lượn, đầu ngẩng cao, chầu vào. Từ đỉnh trán bia xuống đế bia khắc hai đường chỉ chạy song song, giữa các đường chỉ nổi mỗi bên cũng được khắc 9 hoa văn hình nửa lá đề nối tiếp nhau từ đỉnh bia đến đế bia... Khoảng cách giữa các hình lá đề đều được chạm khắc xen kẽ hình hoa cúc dây.
Dưới đế bia là con rùa lớn trong tư thế bơi, đầu vươn cao, lưng nhô, 4 chân rõ ràng với 6 móng, gồm 5 móng nổi và 1 móng đục lõm. Đuôi rùa to, vắt mềm mại lên lưng, phía dưới bụng rùa sát đế khắc 3 đường gờ nổi chau chuốt. Kỹ thuật chế tác đều bằng phương pháp thủ công.
Du khách tới chiêm ngưỡng bia Vĩnh Lăng thường muốn biết hàm ý sâu xa hình tượng rùa 6 móng.
Có nhà nghiên cứu cho rằng, 6 móng chân tượng trưng cho 6 năm trị vì của vua Lê Thái Tổ. Giáo sư Hà Minh Đức lại cho rằng, đó là hình tượng thể hiện triết lý: Đã có vay thì có trả, bảo quốc không thể chiếm thành của riêng. Đấy là bài học về chữ tín mà đạo trời cũng như đạo đời cần tuân thủ.
Người nghệ sĩ tạc bia Vĩnh Lăng nhắc nhở người đời sau nhớ lấy bài học An Dương Vương có vay mà không trả. Trái lại, nhờ giữ được đạo đó mà nhà Lê trị vì được 354 năm, dài nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam.
Sử cũ chép, Lam Kinh xưa vốn là đất Lam Sơn - quê hương của anh hùng dân tộc Lê Lợi, cũng là nơi khởi nguồn và căn cứ đầu tiên của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Sau 10 năm (1418-1428) cuộc kháng chiến chống giặc Minh giành thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, lập ra vương triều Hậu Lê dài nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam với 360 năm (1428-1788).
Ít năm sau khi lên ngôi, vua Lê Thái Tổ đổi Lam Sơn thành Tây Kinh (hay Lam Kinh). Từ đây, Lam Kinh trở thành vùng đất được quan tâm đặc biệt của các vua nhà Hậu Lê. Tháng 8 nhuận năm Quý Sửu (1433), vua Lê Thái Tổ băng hà ở Đông Kinh - Thăng Long, liền được đưa về quê an táng, xây lăng, dựng bia. Từ đây, các vua kế nghiệp cho xây dựng Lam Kinh trở thành khu sơn lăng, nơi an táng nhiều vị vua và Thái Hoàng Thái Hậu triều đại Lê sơ.
Hiện khu di tích chỉ còn 6 ngôi mộ và 5 tấm bia đá sau nhiều biến cố lịch sử cùng với sự khắc nghiệt của thiên nhiên.
"Chum gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần" có kích thước tương đối lớn, được đắp nổi, tạo khắc hoa văn, tráng men, tô men và nung đốt… là những đặc trưng kỹ thuật hiếm có.
"Thẻ bài cung nữ ra vào nội cung thời Lê Sơ, Hoàng thành Thăng Long" đang được lưu giữ và trưng bày tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội, là hiện vật được tạo tác hoàn toàn thủ công.
Bảo vật quốc gia - Bảo kiếm An Dân - là một tư liệu quý, là biểu tượng, đại diện tiêu biểu minh chứng cho những giá trị văn hóa trong giai đoạn “gạch nối” của lịch sử dân tộc Việt Nam.