Nhận định trên được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo “Bảo vệ tài khoản ngân hàng trước nguy cơ lừa đảo trực tuyến gia tăng”, do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức vào sáng ngày 19/9 tại TP.HCM.
Lừa đảo thanh toán trực tuyến ngày càng gia tăng
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Xuân Toàn, Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ cho biết, gần đây cơ quan này nhận được rất nhiều thông tin từ bạn đọc, phản ánh tình trạng các cuộc lừa đảo diễn ra, tập trung vào thanh toán trực tuyến. Trong đó, có hình thức lừa đảo gọi điện giả danh cơ quan chức năng, gửi đường link giả danh cơ quan Nhà nước, để lừa nạn nhân truy cập vào, từ đó dùng những thủ thuật và rút hết tiền trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân.
Đáng chú ý, những tháng gần đây có thêm hình thức lừa đảo mới. Theo đó, kẻ gian lừa người dùng tải các ứng dụng giả mạo về điện thoại, sau đó kích hoạt các quyền trợ năng để kiểm soát quyền truy cập điện thoại, nhằm chiếm đoạt các thông tin tài khoản ngân hàng.
Theo ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, lừa đảo trực tuyến đã bùng phát mạnh, có tác động tiêu cực đến người tiêu dùng, doanh nghiệp bán hàng lẫn các tổ chức tài chính. Những kẻ lừa đảo sử dụng các công cụ kỹ thuật hoặc phi kỹ thuật “social engineering” để xâm phạm thông tin cá nhân của người dùng cho nhiều mục tiêu khác nhau, nhưng thường nhắm đến mục đích lừa lấy tiền của người dùng.
Ông Lê Anh Dũng cho biết, lừa đảo trực tuyến xảy ra ở nhiều nước trên thế giới trong đó có cả các quốc gia hàng đầu như Mỹ, Anh, Australia hay Singapore.
Tại Việt Nam, ông Lê Anh Dũng cho biết, tỷ lệ người dùng thanh toán qua smartphone cao thứ 2 thế giới (33,2% theo Statista 2022). Năm 2022, thanh toán qua Mobile tăng 321% về số lượng và 287% về giá trị; Thanh toán QR Code tăng 225% về số lượng và 244% về giá trị so năm 2021, điều này cũng kéo theo nhiều hình thức lừa đảo trực tuyến xuất hiện. Cụ thể, theo Tổ chức chống lừa đảo toàn cầu GASA, Việt Nam hiện là quốc gia có tỷ lệ lừa đảo qua mạng cao với 87.000 vụ lừa đảo được ghi nhận trong năm 2021. Các nạn nhân bị thiệt hại 374 triệu USD, tương đương khoản thiệt hại 4.200 USD mỗi vụ lừa đảo và 3,8 USD nếu tính trên đầu người.
Thượng tá Cao Việt Hùng, Phó Trưởng phòng 4, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) cũng chia sẻ, thời gian vừa qua, tội phạm sử dụng công nghệ cao liên quan đến lĩnh vực ngân hàng tiếp tục gia tăng, diễn biến phức tạp, có xu hướng thay đổi về phương thức, thủ đoạn. Với bức tranh thanh toán điện tử được đại diện Ngân hàng Nhà nước đề cập ở trên, theo ông Cao Việt Hùng, đây là tiền đề cho tội phạm phát triển trên không mạng.
Đại diện Cục A05 cho biết thêm, mặc dù các hình thức lừa đảo này tập trung vào một số hành vi cũ, đã diễn ra 2-3 năm trở lại đây, một số hành vi tuy mới nhưng bản chất cũng không phải là lần đầu xuất hiện, thế nhưng người dân vẫn thiếu cảnh giác và bị lừa.
Truyền thông đóng vai trò quan trọng
Theo ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, để bảo vệ người dùng trước tình trạng lừa đảo trực tuyến trong lĩnh vực thanh toán hiện nay, một trong những điều quan trọng đầu tiên là nâng cao nhận thức cho người dân thông qua công tác truyền thông. Cụ thể, cần phải có sự phối hợp của các đơn vị liên quan đưa ra các kế hoạch để tăng cường truyền thông, giáo dục tài chính, nâng cao nhận thức phòng chống rủi ro, kỹ năng giao dịch tài chính an toàn cho người dân.
Thiếu tướng Trần Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục Truyền thông Bộ Công an cũng khẳng định, chiến lược truyền thông để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dùng vẫn là vấn đề cơ bản và lâu dài. Ở đây, công tác truyền thông cần tiến hành một cách chủ động từ việc đưa ra các hình thức lừa đảo để cảnh bảo người dùng; các cơ quan dịch vụ tài chính, ngân hàng cần truyền thông về thương hiệu, chủ thể và dịch vụ của mình cung cấp để người dân có đầy đủ thông tin. Đồng thời, việc tuyên truyền này cần phân nhóm đối tượng thụ hưởng, chẳng hạn như đối với các cụ hưu trí thì qua tổ dân phố, còn đối với đại chúng thì đưa các bản tin hàng ngày, hàng giờ, trên các phương tiện truyền thông…
Theo ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc ngân hàng ACB, thực tế hiện nay các ngân hàng cũng đã liên tục cảnh báo các hình thức lừa đảo trên các phương tiện truyền thông, cũng như nhắn tin thông báo tuyên truyền đến người dùng. Tuy nhiên, khi có các hành vi lừa đảo mới, Bộ Công an nên ra một thông cáo báo chí chung để đưa ra cảnh báo đến khách hàng, thay vì các ngân hàng thực hiện một cách riêng lẻ như hiện nay sẽ không hiệu quả.
Ông Trần Xuân Toàn, Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ cũng cho rằng, công tác truyền thông cần được chú trọng hơn nữa. Theo ông, hiện khung pháp luật xử lý về lừa đảo trực tuyến còn quá thấp, chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính là quá nhẹ, điều này làm suy giảm lòng tin của người dân, chưa kể mục tiêu sắp tới phát triển xã hội thanh toán không dùng tiền mặt. Chính vì thế, Bộ Công an cần đẩy mạnh truyền thông, trong đó chọn các vụ án điển hình đưa ra làm án điểm để xử lý nhằm làm công tác tuyên truyền, cũng như cảnh báo các đối tượng phạm tội. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng, ngân hàng cũng có trách nhiệm cung cấp thông tin cho truyền thông một cách kịp thời các vụ việc để nhanh chóng truyền tải đến người dân, cần tổ chức các chương trình tập huấn để nâng cao nhận thức cũng như giúp người dân làm quen với các công nghệ mới.