Trong báo cáo công bố ngày 27/1, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo, trẻ em có nguy cơ cao trở thành mục tiêu săn tìm của những kẻ tội phạm trên không gian mạng. Bóc lột và lạm dụng tình dục trẻ em trên không gian trực tuyến là hình thức bạo lực phát triển nhanh nhất nhằm vào nạn nhân là trẻ em.
Cảnh báo này cho thấy, bên cạnh những lợi ích không gian mạng mang lại, trẻ em có thể phải đối mặt với nhiều rủi ro nếu không được trang bị kỹ năng tự bảo vệ bản thân trên không gian mạng.
Lo lắng về an toàn khi con tham gia môi trường mạng, chị Hà Thái Hằng (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi có con trai 6 tuổi, vì muốn con phát triển kỹ năng nói tiếng Anh nên tôi đăng ký khóa học online. Đặc thù công việc phải làm ca tối nên vợ chồng tôi không có thời gian quản lý khi con truy cập internet mà nhờ bà nội để ý giúp.
Tuy nhiên, vừa qua tôi tá hỏa khi phát hiện con có những hành động bạo lực như sẵn sàng đánh bạn khi không hài lòng, hay xé vở khi bực tức.
Âm thầm theo dõi, tôi phát hiện ngoài giờ học con có truy cập những trang website không dành cho trẻ em, ở đó người lớn sẵn sàng gây gổ đánh nhau, thậm chí có những hành động phản cảm.
Trước mắt chưa có biện pháp nào nên tôi tịch thu thiết bị truy cập mạng và dừng việc học trực tuyến của con”.
Thừa nhận việc cho con truy cập mạng xã hội có những lợi ích không nhỏ, nhưng cần có sự giám sát của người lớn, anh Trần Trung Kiên (quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ nhờ học tiếng Anh trực tuyến, khả năng nghe nói tiếng Anh của con trai cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, dù bận rộn vợ chồng anh Kiên vẫn ưu tiên việc kiểm soát thời gian dùng thiết bị công nghệ của con.
Bởi vốn hiếu kỳ, trẻ không tránh khỏi việc tò mò truy cập vào các trang web có nội dung nhảm nhí. Chưa kể, truyền thông cũng cảnh báo nhiều trường hợp trẻ nhỏ đã trở thành thành nạn nhân của những vụ tấn công trên không gian mạng.
Chia sẻ về kỹ năng an toàn khi sử dụng Internet, bà Đinh Thị Như Hoa - Trưởng phòng Kiểm định, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), cho hay ở mỗi lứa tuổi khác nhau, trẻ cần được trang bị những kỹ năng tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng.
Trong đó, bố mẹ cần lưu ý với con phải thận trọng khi chia sẻ các thông tin cá nhân trên mạng xã hội và khi có bất kỳ vấn đề nào cần được hỗ trợ cần phải hỏi người mình tin tưởng như bố mẹ, thầy cô để được hướng dẫn cách giải quyết.
Thực tế, thời gian qua, có rất nhiều vụ việc bắt nạt trẻ em, bạo lực học đường xuất phát từ mạng xã hội nhưng người lớn lại không hề biết nên không can thiệp kịp thời dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là trẻ em bị tổn thương và trở thành nạn nhân của bạo lực học đường.
“Hơn ai hết, chính bố mẹ cần đồng hành, bảo vệ, hãy làm bạn với con, luôn chú ý theo dõi, giám sát hoạt động của trẻ khi trẻ tham gia không gian mạng. Ngoài ra, để trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên không gian mạng, bố mẹ có thể sử dụng các loại công nghệ bảo vệ có trên Window, iOS, Android hoặc trên các trình duyệt; các ứng dụng bảo vệ hỗ trợ và thiết bị mạng bảo vệ giám sát (wifi, gói cước viễn thông) và các ứng dụng hỗ trợ phản ánh, kiểm tra… để bảo vệ trẻ an toàn trên môi trường mạng”, bà Hoà nhấn mạnh.
Khi cha mẹ không kiểm soát được con thường có xu hướng cấm nhưng đó là cách hành xử hoàn toàn sai lầm. Bởi lẽ, với thời đại công nghệ 4.0 việc truy cập internet là không thể thiếu. Nên thay vì cấm bố mẹ và nhà trường hãy dành thời gian đồng hành cùng con, trang bị cho con kỹ năng để có thể nhận diện tốt xấu, hay dở khi sử dụng internet.