Bộ Xây dựng đề xuất bắt buộc giao dịch BĐS phải qua sàn
Theo dự thảo Hồ sơ đề nghị sửa Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) 2014, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi, bổ dung thêm một số quy định nhằm phù hợp với thị trường hiện nay. Trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định bắt buộc các giao dịch mua, bán BĐS (bao gồm BĐS là Nhà ở, các công trình xây dựng không phải nhà ở, Quyền sử dụng đất) phải thông qua sàn giao dịch BĐS.
Trước đó, Luật Kinh doanh bất động sản lần đầu tiên được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2006 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2007) đã quy định tất cả các giao dịch bất động sản đều phải thông qua sàn giao dịch.
Theo Bộ Xây dựng, trên cả nước đã có khoảng 1.600 sàn giao dịch BĐS được thành lập và đa phần các sàn giao dịch có quy mô nhỏ, tính chuyên nghiệp chưa cao, năng lực tài chính thấp, điều kiện về cơ sở vật chất, năng lực chuyên môn của đội ngũ nhân sự còn yếu... |
Đến năm 2008-2013, do sự ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, thị trường BĐS cũng rơi vào tình trạng trầm lắng kéo dài. Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, Chính phủ đã trình Quốc hội đã thông qua Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi năm 2014, trong đó bỏ quy định bắt buộc giao dịch BĐS phải thông qua sàn.
Theo Bộ Xây dựng, điều này nhằm phù hợp với bối cảnh “trầm lắng” của thị trường BĐS tại thời thời điểm đó.
Tuy nhiên, Bộ này đánh giá, trước sự phục hồi của thị trường BĐS và sự phát triển nhanh chóng của các sàn giao dịch từ năm 2014 đến nay, những cơ chế chính sách này không còn phù hợp với tình hình thực tế của thị trường, thiếu tính chặt chẽ.
Từ đó, dẫn đến nhiều hệ lụy như tạo cơ sở cho việc hình thành nên các dự án ma, các vụ việc lừa đảo khách hàng từ chính các chủ đầu tư không tuân thủ quy định pháp luật. Khi các giao dịch không bắt buộc qua sàn BĐS nhà nước gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không quản lý được thông tin về thị trường BĐS đúng với những gì đang diễn ra.
Bên cạnh đó gây ra tình trạng thất thu thuế, thất thu cho ngân sách Nhà nước... Người tiêu dùng mất đi một kênh tham khảo thông tin và một tổ chức chính thống để thẩm định, thẩm tra sản phẩm trước khi đưa ra quyết định mua hoặc đầu tư.
Lo ngại quy định “bắt buộc” giao dịch nhà ở, công trình xây dựng phải qua sàn giao dịch bất động sản sẽ làm tăng giá bán nhà gây bất lợi cho người tiêu dùng |
Cũng theo Bộ Xây dựng, quy định của Luật Phòng chống rửa tiền thì sàn giao dịch BĐS là một trong 3 đối tượng báo cáo về các giao dịch lớn, giao dịch đáng ngờ. Tuy nhiên, với quy định này cũng đã gây ra những khó khăn trong công tác thu thập thông tin, số liệu về các giao dịch trên thị trường BĐS, đồng thời chưa phù hợp với Luật Phòng chống rửa tiền.
Do đó, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định bắt buộc các giao dịch BĐS phải thông qua sàn giao dịch BĐS.
Lo ngại giá nhà tăng cao
Liên quan đến vấn đề này, Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản bổ sung góp ý đề cương Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) của Bộ Xây dựng.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho rằng, đề xuất bổ sung quy định "chủ đầu tư dự án BĐS phải thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê nhà ở, công trình xây dựng thông qua sàn" nếu được thông qua thì có nghĩa là chủ đầu tư “bắt buộc” phải thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua 100% sản phẩm nhà ở, công trình xây dựng của dự án bao gồm nhà ở, căn hộ du lịch (condotel), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel), căn hộ dịch vụ (serviced apartment), các loại hình công trình xây dựng đưa vào kinh doanh như các công trình thương mại, y tế, giáo dục, dịch vụ… đều phải thông qua sàn giao dịch BĐS.
Điều này sẽ xâm phạm “quyền tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư kinh doanh, tự chủ kinh doanh, lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh, tự do tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng” của chủ đầu tư dự án BĐS được quy định tại Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2020 và là một bước đi “thụt lùi”, không phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành và thực tiễn.
Cùng với đó, Hiệp hội cho rằng, đề xuất trên không phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ sẽ tạo ra “lợi thế” không chính đáng và “đặc quyền, đặc lợi” cho các sàn giao dịch BĐS.
Theo HoREA, việc quy định “bắt buộc” giao dịch nhà ở, công trình xây dựng phải qua sàn giao dịch BĐS còn làm tăng giá bán nhà gây bất lợi cho người tiêu dùng.
“Phí dịch vụ của sàn giao dịch BĐS hiện nay thường bằng khoảng trên dưới 2% giá trị hợp đồng và được chủ đầu tư tính vào giá bán nhà, công trình xây dựng mà người mua nhà, nhà đầu tư phải gánh chịu.
Do vậy, không thể quy định “bắt buộc” chủ đầu tư phải thực hiện giao dịch nhà ở, công trình xây dựng thông qua sàn giao dịch BĐS, mà chỉ nên khuyến khích các bên thực hiện giao dịch qua sàn giao dịch BĐS", HoREA nhấn mạnh.
Ngoài ra, chất lượng hoạt động của sàn giao dịch BĐS chưa thật sự đảm bảo do trong tổng số khoảng 320.000 nhân viên môi giới BĐS hiện nay thì mới chỉ có khoảng 10% có chứng chỉ hành nghề.
Bên cạnh đó, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 chỉ yêu cầu “Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch BĐS phải có ít nhất 2 người có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS” đã nói lên mặt “bất cập, hạn chế” về năng lực và chất lượng hoạt động, tính chuyên nghiệp của các sàn giao dịch BĐS, nên đã dẫn đến không ít vụ việc làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của chủ sở hữu tài sản và người tiêu dùng, nhà đầu tư, thậm chí có trường hợp vi phạm pháp luật nghiêm trọng như vụ việc Công ty Alibaba.
Vì vậy, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng xem xét bỏ “đề xuất bổ sung quy định chủ đầu tư dự án bất động sản phải thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê nhà ở, công trình xây dựng thông qua các sàn giao dịch bất động sản”.
Không ít ý kiến đồng quan điểm cũng cho rằng, việc mua bán nhà đất phải thông qua sàn giao dịch BĐS sẽ kéo BĐS tăng giá, tạo khó khăn hơn cho người mua nhà. Cùng với đó, khó tránh khỏi trường hợp, nhiều chủ đầu tư dự án BĐS lợi dụng danh nghĩa các sàn giao dịch BĐS huy động vốn trái pháp luật, bán các BĐS không đủ điều kiện, gây tổn thất lớn cho người mua nhà như thời gian qua đã xảy ra.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng, sự phát triển các sàn giao dịch giúp tạo thói quen giao dịch có văn bản hợp pháp, thông tin chính xác đầy đủ, phòng tránh gian lận, lừa đảo và góp phần ổn định thị trường. Do đó thông tin về chủ đầu tư, chủ nhà, diện tích, vị trí, tình trạng pháp lý của căn nhà đều rõ ràng, minh bạch.
Không nên quy định “cứng” bán nhà phải thông qua sàn giao dịch bất động sản nhưng khuyến khích người mua nhà tìm các đơn vị sàn giao dịch BĐS uy tín để được tư vấn và cung cấp thông tin đúng, đảm bảo quyền lợi người mua.
Thuận Phong
Bộ Xây dựng đề xuất sửa luật, cò đất hết cửa náo loạn thổi giá ăn chênh
Theo Bộ Xây dựng hiện có không ít môi giới bất động sản yếu kém về chuyên môn, đạo đức làm ăn “chụp giật”, gây thiệt hại cho khách hàng khi tư vấn không đúng, thậm chí còn lũng đoạn thị trường, góp phần gây ra những cơn “sốt ảo”.