Như VietNamNet đã đưa, rạng sáng 27/5, tại hầm gửi xe khu chung cư 6th Element (Tây Hồ, Hà Nội) xảy ra vụ tai nạn hy hữu.
Chiếc Mercedes S560 Maybach biển số TP.HCM đi hướng từ khu gửi xe ra ngoài đã mất lái, đâm vào hàng loạt xe máy rồi tiếp tục tông thẳng vào chốt bảo vệ.
Công an phường Xuân La cho hay, sự việc khiến một người bị thương, được đưa đi cấp cứu.
Vụ tai nạn trên khiến người ta đặt ra tình huống- khi xảy ra tai nạn giao thông trong các hầm để xe chung cư thì việc xử lý, giải quyết sẽ được áp dụng các quy định nào?
Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, Điều 4, Luật Giao thông đường bộ quy định: "Đường bộ gồm đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ".
Luật Giao thông đường bộ có quy định về tham gia giao thông đường bộ trong hầm đường bộ. Tuy nhiên, hầm đường bộ chưa có khái niệm cụ thể và không bao gồm hầm để xe trong các tòa nhà chung cư, các trung tâm thương mại.
Nên việc tham gia giao thông ở các khu vực này đang thiếu các quy định pháp luật điều chỉnh, khó có căn cứ để xác định hành vi vi phạm cũng như làm cơ sở xem xét trách nhiệm pháp lý khi có tai nạn xảy ra.
Theo luật sư, những khu vực hầm để xe thiếu sự điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ nên nếu có tai nạn xảy ra, gây thiệt hại đến tài sản thì chỉ có thể áp dụng các quy định của pháp luật về dân sự để giải quyết.
Trong đó, về phần bồi thường thiệt hại cũng như trách nhiệm pháp lý sẽ được thực hiện theo quy định của Bộ Luật dân sự về hành vi vô ý gây thiệt hại đến tài sản, vô ý gây thương tích hoặc vô ý làm chết người.
Tuy nhiên, các quy định của Bộ Luật dân sự chỉ có thể áp dụng khi sự cố đã xảy ra mà không có cơ chế để điều chỉnh ngay hành vi của người điều khiển phương tiện giao thông.
Tình trạng này dẫn đến hiện tượng thiếu luật để điều chỉnh, thiếu căn cứ để xử lý đối với các hành vi vi phạm giao thông khi họ chưa gây ra hậu quả.
Ngoài ra, khi sửa đổi Bộ luật hình sự 2015 thì tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ sửa đổi thành tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Bởi vậy, sẽ khó khăn hơn cho việc đánh giá hành vi vi phạm xảy ra ở những nơi không được coi là đường bộ và những hành vi không được coi là tham gia giao thông đường bộ.
Tiến sĩ Đặng Văn Cường cho rằng, nếu như trước đây, Bộ luật hình sự xử lý đối với người điều khiển phương tiện, thì nay xử lý với người tham gia giao thông.
Trong khi đó, một số khu vực không được coi là mạng lưới giao thông nên việc xử lý bằng chế tài hình sự trong những trường hợp tai nạn hậu quả nghiêm trọng là không thể thực hiện được.
“Việc sửa đổi bổ sung các quy định của Luật Giao thông đường bộ là cần thiết, trong đó có quy định về mạng lưới hệ thống giao thông đường bộ để điều chỉnh tất cả những hành vi của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trong mọi hoàn cảnh khi có hành vi điều khiển phương tiện giao thông”, ý kiến của luật sư Đặng Văn Cường.
T.Nhung