5 năm trước, dư luận từng rúng động trước thông tin học sinh lớp 1 tử vong vì bị bỏ quên trên ô tô đưa đón. Khi đó, từ những câu hỏi về trách nhiệm, một loạt vấn đề về quy trình, yếu tố con người liên quan đến khâu vận chuyển, đưa đón học sinh đã được rà soát, điều chỉnh theo hướng tăng cường các điều kiện đảm bảo an toàn. Vậy nhưng, từ bài học cũ ở Trường PTLC Quốc tế Gateway (Hà Nội), nỗi đau mới lại xảy ra ở Trường Mầm non Hồng Nhung (TP Thái Bình). Thực tế, với trẻ nhỏ không thể tự bảo vệ mình, sự an toàn phải được đảm bảo bằng quy trình với chuỗi giám sát chặt chẽ, thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao, khi đó chuyện đau lòng mới không lặp lại.
Sau sự việc bé trai bị bỏ quên trên ô tô ở Thái Bình dẫn đến tử vong, nhiều câu hỏi đặt ra với các quy định hiện hành về xe đưa đón học sinh có phù hợp với thể chất của trẻ em.
Trẻ nhỏ trên ô tô rất khác với hành khách lớn tuổi
Theo thống kê của các tổ chức an toàn trên thế giới, nguyên nhân gây ra cái chết cho trẻ em từ 14 tuổi trở xuống phần lớn là do tai nạn giao thông. Trong đó hơn 57% là do trẻ em dưới 15 tuổi không được ngồi và bảo hiểm đúng cách trong ô tô.
Trao đổi với PV VietNamNet, PGS.TS Phạm Việt Cường (Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, Đại học Y tế Công cộng) nhìn nhận, trẻ em là nhóm dễ bị tổn thương, là đối tượng yếu thế trong tham gia giao thông khi chưa biết cách tự bảo vệ mình.
Các em nhỏ chưa thể tự ý thức được việc đảm bảo an toàn. Chưa hết, các em với đặc thù thể chất nhỏ bé, chỉ cần những sự cố nhỏ cũng có thể gây ra hậu quả lớn.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, trẻ em đối diện với nhiều nguy cơ tổn thương hơn người lớn khi ngồi trên ô tô.
“Thứ nhất, tầm vóc của trẻ em nhỏ hơn người lớn, dây an toàn của ô tô thường dùng không phù hợp kích thước với trẻ nên không phát huy hết tác dụng.
Thứ hai, khung xương của trẻ em chưa đủ cứng như người lớn nên chỉ cần va đập nhỏ là có thể gây chấn thương, gãy xương.
Thứ ba, phản xạ của trẻ em thường chậm hơn so với người lớn, nhất là khi có sự cố xảy ra. Đặc biệt, trẻ em cũng chưa thể nhận thức được sự nguy hiểm, chưa có khả năng tự bảo vệ mình, nhiều khi còn ngủ quên trên xe. Vì vậy, khi đến điểm dừng, nếu không có người nhắc, dễ bị bỏ quên lại trên xe", ông Quyền nói.
Đặc biệt, sau sự cố xảy ra tại trường Gateway, Nghị định 10/2020/NĐ-CP và Thông tư 12/2020/TT-BGTVT đã tập trung các giải pháp nhằm chống bỏ quên trẻ em trên xe. Trong đó có yêu cầu về phương án kiểm soát để bảo đảm không còn hành khách ở trên xe khi đã kết thúc hành trình. Cụ thể, tài xế phải kiểm tra khoang hành khách để bảo đảm không còn ai ở trên xe sau khi kết thúc hành trình. Điều này cũng chú trọng đến đối tượng trẻ nhỏ cần được đảm bảo an toàn hơn trong suốt quá trình di chuyển.
Tuy nhiên, đại diện một Sở GTVT thừa nhận, vẫn còn những kẽ hở đối với quy định xe đưa đón trẻ em. Bởi thực tế cần nhìn nhận đây là nhóm cần được ưu tiên bảo đảm an toàn trong suốt quá trình tham gia giao thông hơn so với các đối tượng khác.
Vì vậy, việc Chính phủ đề xuất đưa vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ quy định việc quản lý hoạt động dịch vụ đưa đón học sinh bằng ô tô là cần thiết, để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho trẻ em. Hiện, hai dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Luật Đường bộ đang trong quá trình hoàn thiện.
Ngoài ra, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đang gấp rút hoàn thiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô (QCVN 09:2024/BGTVT), trong đó có xe chở học sinh.
Khắc phục những bất cập với xe chở học sinh
Về quy chuẩn nêu trên, ông Nguyễn Tô An, Cục phó Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết đang lấy ý kiến với dự thảo, dự kiến cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025, quy chuẩn sẽ được ban hành thực hiện.
Theo đó, dự thảo quy định xe chở học sinh phải thống nhất một màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe. Mặt sau xe phải có thiết bị cảnh báo hoặc biển cảnh báo các phương tiện khác không được vượt khi xe đang đỗ ở bến để đón, trả học sinh.
Đặc biệt, đối với ghế ngồi trên xe chở học sinh, dự thảo quy định không được bố trí thuộc hàng ghế đầu tiên cùng với hàng ghế người lái xe; xe được trang bị dây đai an toàn loại hai điểm và được bố trí từ hàng thứ hai trở đi. Đây là đặc điểm khác biệt so với những loại xe chở học sinh hiện nay.
Đồng thời, xe chở học sinh có bậc lên xuống phải được lắp tay vịn ở cửa hành khách và không được có phần nhô ra hoặc gờ trên tay vịn có thể gây thương tích cho học sinh.
Dự thảo cũng quy định xe chở học sinh phải được trang bị thiết bị quan sát toàn bộ khu vực hành khách thông qua gương chiếu hậu bên trong và hệ thống camera trong xe để giám sát hành vi của lái xe, người giám hộ và học sinh trên xe.
Xe phải có camera bên ngoài để giám sát tình trạng phía ngoài cửa lên xuống trước khi đón trả học sinh. Các thiết bị phải trang bị hệ thống ghi nhớ và xử lý thông tin lái xe.
Đáng chú ý, xe chở học sinh phải được lắp đặt hệ thống còi báo động, âm thanh khẩn cấp hoặc liên lạc trực tiếp đến lái xe hoặc người quản lý học sinh để cảnh báo khi có học sinh bị bỏ quên trên xe, thời gian không quá 15 phút.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, việc quy định như trên không chỉ để tránh trường hợp học sinh bị bỏ quên trên xe mà còn đảm bảo an toàn cho học sinh một cách tối đa trong suốt quá trình di chuyển.
Ủng hộ các quy chuẩn này, một chuyên gia cho rằng, cần quyết tâm đưa vào các tính năng an toàn cao nhất đối với xe đưa đón học sinh như hệ thống chống bỏ quên học sinh, thiết bị tăng cường khả năng quan sát và cảnh báo cho lái xe về các tình huống có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Đồng thời, cần rút ngắn quá trình ban hành dự thảo quy chuẩn này để sớm triển khai trong thực tế.
(Còn nữa)