Bất chấp mưa lạnh, nhiều người vẫn đổ về dự khai mạc Ngày thơ Việt Nam
Dù thời tiết không thuận lợi, trời mưa và lạnh song những người yêu thơ vẫn đến Hoàng thành Thăng Long, đi trên con đường thơ để đọc và chiêm nghiệm những vần thơ hay về dân tộc.
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 mang đến cho công chúng những di sản quý báu trong kho tàng thi ca của dân tộc cùng những tác phẩm tiêu biểu về thiên nhiên, vùng đất, con người các dân tộc Việt Nam. Với chủ đề 'Bản hòa âm đất nước', Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long mở màn bằng toạ đàm 'Từ bản lĩnh tới bản sắc nhà thơ'. Người yêu thơ từ khắp mọi nơi đổ về, hội trường chật kín, nhiều người phải dùng ghế nhựa ngồi giữa lối đi.
Dù thời tiết không thuận lợi, trời mưa và lạnh song những người yêu thơ vẫn đến Hoàng thành Thăng Long, đi trên con đường thơ để đọc và chiêm nghiệm những vần thơ hay về dân tộc.
Ngày thơ đã trở thành một lễ hội đặc biệt giữa các lễ hội văn hóa trong những ngày đầu xuân. Và điểm nhấn quan trọng là đêm thơ trong ngày rằm Nguyên tiêu.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ niềm hứng khởi khi thơ ca của các dân tộc với những vẻ đẹp riêng biệt cùng vang lên tại một không gian văn hóa và lịch sử là Hoàng thành Thăng Long. "Trong không gian linh thiêng ấy, giọng nói của nhà thơ đại diện cho các dân tộc Việt Nam vang lên. Đó thực sự là một điều kỳ diệu. Khách tham quan có cơ hội tìm hiểu những vẻ đẹp của thơ ca của nhiều vùng văn hóa khác nhau thông qua thơ ca của các dân tộc Kinh, Tày, Mường, Pa Dí, Dáy, Khmer, Chăm, Hoa...", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.
Trên chính giữa trục thần đạo, BTC xây dựng không gian 'Nhà ký ức' theo hình dáng kiến trúc một ngôi nhà dài của đồng bào Tây Nguyên.
Nơi đây trưng bày kỷ vật, hiện vật, tác phẩm của 12 nhà thơ tiêu biểu.
Hiện vật, bản thảo của nhà thơ Nông Quốc Chấn, người dân tộc Tày.
Bản thảo, máy đánh chữ của nhà thơ Hồ Dzếnh.
Không gian Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 ngập tràn hoạ tiết của đồng bào dân tộc.
Tổng đạo diễn Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 Lê Quý Dương cho biết, toàn bộ không gian Ngày thơ là hoa văn thổ cẩm trên mái nhà, thân cây, lá cây... kết hợp với 22 đài đuốc, tượng trưng cho Ngày thơ lần thứ 22 của Hội Nhà văn Việt Nam. Ban Tổ chức chọn 22 ca khúc do các nhạc sĩ sáng tác hoặc phổ thơ về miền núi, dân tộc như 'Bóng cây Kơ-nia', 'Giấc mơ Chapi'… để tạo nên không gian đậm chất thi ca, một "Bản hòa âm đất nước" đa màu, đa sắc...
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tôn vinh khối đại đoàn kết dân tộc Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh, đoàn kết dân tộc vô cùng quan trọng và ngày thơ Việt Nam cũng mang tinh thần đó.