Những vụ bắt cóc trẻ em xảy ra ngày một nhiều, kẻ bắt cóc tỏ ra manh động hơn trước. Cũng có trường hợp kẻ bắt cóc trẻ em chưa kịp hoàn thành hành vi thì bị phát hiện. Luật sư cho hỏi, trong trường hợp này thì có thể quy tội được không?
Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) trả lời: Hiện nay tình trạng bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em (người dưới 16 tuổi) với nhiều mục đích khác nhau đang diễn ra ngày càng phức tạp.
Các đối tượng thực hiện hành vi có thể là bất kể ai, có khi là người xa lạ, nhưng cũng có khi đến từ người quen biết, họ hàng, người quen, thậm chí hàng xóm… Vì thế các gia đình cần hết sức cảnh giác, đề phòng.
Theo luật sư, việc bắt cóc, chiếm đoạt người dưới 16 tuổi xuất phát từ nhiều mục đích khác nhau, ngoài hành vi khách quan còn phụ thuộc vào ý thức chủ quan của người phạm tội sẽ cấu thành tội phạm khác nhau, tuỳ vào từng trường hợp cụ thể.
Có trường hợp, việc bắt cóc để đòi tiền chuộc, tống tiền người nhà thì hành vi này có dấu hiệu của Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 169 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tội phạm thực hiện hành vi phạm tội này đồng thời xâm phạm 2 khách thể trực tiếp, đó là quan hệ nhân thân và quan hệ sở hữu.
Đặc điểm của tội danh này là sau khi bắt cóc được nạn nhân, đối tượng phạm tội sẽ gây áp lực đòi gia đình người bị hại giao tài sản để đổi lấy người bị bắt giữ. Đây là tội phạm cấu thành hình thức nên chỉ cần có hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là cấu thành tội phạm này.
Còn trường hợp việc bắt cóc, chiếm đoạt người dưới 16 tuổi không vì mục đích đòi tiền chuộc, tống tiền (tức là không vì mục đích chiếm đoạt tài sản) và việc bắt cóc có sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi thì có dấu hiệu của tội Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 153 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo tội danh này, hành vi chiếm đoạt ở đây được hiểu là hành vi tách, chuyển, cách ly trái phép đứa trẻ khỏi sự quản lý của gia đình hoặc người quản lý hợp pháp và thiết lập sự quản lý đó cho mình hoặc người khác bằng các thủ đoạn nêu trên.
Thủ đoạn khác có thể là lén lút, lừa dối, bắt trộm, lợi dụng tình trạng khó khăn…
Ngoài ra, để xem xét hành vi này cấu thành tội phạm gì thì cơ quan công an sẽ xem xét, đánh giá nhận thức, động cơ mục đích của người thực hiện hành vi để có căn cứ xem xét về mặt tội danh.
“Trước bối cảnh kinh tế khó khăn, đời sống xã hội thay đổi, nhiều loại tội phạm xuất hiện, các gia đình cần nâng cao cảnh giác để bảo vệ con em mình, khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để can thiệp kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra”, luật sư Nguyễn Văn Đồng cho hay.