9X 'biến' lá cây bồ đề thành tranh độc đáo

Do có niềm yêu thích đặc biệt với cây bồ đề, sau khi tốt nghiệp đại học, anh Đặng Duy Khánh (25 tuổi, ở Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) đã chọn khởi nghiệp bằng công việc làm tranh nghệ thuật từ lá cây bồ đề.

Thời gian đầu làm tranh, anh Khánh gặp nhiều khó khăn do không chuyên về mỹ thuật. Anh phải mày mò nghiên cứu, lên ý tưởng và sơ chế nguyên liệu từ lá bồ đề. Đến tháng 6/2020, anh cho ra đời những bức tranh vô cùng đẹp mắt. Tranh anh làm chủ yếu về Đức Phật Thích Ca, thư pháp, hoa, cây bồ đề, bướm,...

{keywords}
Anh Khánh cùng những tác phẩm làm từ chất liệu lá bồ đề vô cùng đẹp mắt

Anh Khánh cho biết, làm tranh lá bồ đề phải trải qua nhiều công đoạn vô cùng phức tạp như: chọn lá già đủ độ dày, đẹp; tách chất diệp lục ra khỏi xương lá; dùng bàn chải vệ sinh lá thật sạch, tạo hình. Tuỳ vào kích thước bức tranh mà anh sử dụng từ vài chục đến hàng trăm lá bồ đề. Để hoàn chỉnh một bức tranh, anh Khánh mất từ vài ngày đến vài tuần. Mỗi bức tranh có giá từ vài trăm nghìn đồng đến hàng triệu đồng.

Chàng trai khuyết tật biến tre thành hàng thủ công đẹp mắt

Không may bị teo cơ hai chân và hai tay từ nhỏ, nhưng với sự nỗ lực và khả năng sáng tạo, anh Triệu Hồng Hồ Em (33 tuổi, ở xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) đã biến những thanh tre khô vô tri thành những sản phẩm thủ công vô cùng tinh xảo và đẹp mắt.

Hàng chục loại mô hình nhà rông Tây Nguyên, nhạc cụ, xe đạp, móc khóa, chậu hoa, bàn, ghế... đã được anh Hồ Em mày mò chế tác. Tùy theo kích thước, kiểu dáng, số lượng chi tiết, mỗi sản phẩm do anh Hồ Em chế tạo có giá từ vài chục nghìn đến vài triệu đồng.

“Chính cây tre đã làm thay đổi cuộc đời tôi, giúp tôi kiếm tiền và mô hình nhà rông Tây Nguyên là sản phẩm từ tre đầu tiên tôi bán được,” anh Hồ Em chia sẻ trên TTXVN/Vietnam+.

Bánh bao hình quả quýt, hàng độc lạ cúng Rằm tháng Giêng

Với tạo hình đẹp, màu sắc bắt mắt, những chiếc bánh bao hình quả quýt là vật phẩm cúng Rằm tháng Giêng được nhiều người ưa chuộng. Loại bánh này có đặc điểm chung là hình thức giống hệt như quả quýt. Bên trong lớp vỏ bánh thường là nhân chay, đậu xanh sen nhuyễn.

{keywords}
Bánh bao hình quả quýt được thượng khách săn lùng. (Ảnh: Dân Trí)

"Bánh này có ưu điểm là gọn, nhẹ, tạo hình ấn tượng. Hơn nữa, khi trưng bày trông rất đẹp, giống y như quả thật nên được nhiều người yêu thích. Ngoại trừ là thời gian bảo quản bánh không dài, nên ngay khi mua về, khách phải cúng luôn" - chị Thanh Liễu - một đầu mối bán bánh bao hình quýt ở Thanh Xuân (Hà Nội) - cho biết trên Báo Dân Trí.

Giá cho mỗi set bánh bao hình quả quýt gồm 5 chiếc dao động từ 75.000-80.000 đồng.

Trồng dừa rồi 'chặt bỏ', chàng trai thu gần trăm triệu mỗi năm

Báo Lao Động thông tin, dừa không phải là cây trồng chủ lực của tỉnh Kiên Giang nhưng nhiều người dân đã sáng tạo mọi cách để tận dụng được giá trị của cây dừa. Điển hình trong số đó là anh Lê Trọng Đáng (xã Tân Thạnh, huyện An Minh) với ý tưởng khởi nghiệp trồng dừa chỉ để bán củ hủ.

Củ hủ dừa là phần lõi non nhất của ngọn dừa. Củ hủ dừa có màu trắng, ăn rất giòn và ngọt được xem là món đặc sản dùng chế biến thành nhân bánh xèo, lẩu vịt xiêm, làm gỏi... Để có một củ hủ dừa thì cần phải đốn một cây dừa sau khi được cưa gọn, chặt hết lớp vỏ, cuống lá... chỉ giữ lại phần đọt non, sau khi bóc sạch lớp vỏ thì còn lại khoảng 10 kg lõi trắng. Vì thế củ hủ dừa là món ăn 100% tự nhiên không có chất bảo quản.

Trung bình mỗi năm, anh Đáng xuất bán khoảng trên 2000 kg củ hủ dừa. Không bỏ công cũng không cần thêm vốn nhưng mỗi năm anh thu lãi gần trăm triệu đồng.

Ngư dân bắt được cá lạ giống cá mập

Ngày 25/2, Đồn Biên phòng Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh (Bộ đội Biên phòng Quảng Trị) xác nhận, các ngư dân tại địa phương vừa câu được con cá "khủng". Con cá có trọng lượng 147 kg. Sau khi đưa con cá vào bờ, các ngư dân phát hiện cá đã chết.

{keywords}
Con cá lạ mà người dân câu được. (Ảnh người dân cung cấp)

Theo người dân địa phương, đây là con cá nghéo, bề ngoài giống với cá mập. Rất đông người dân và thương lái đến xem con cá được cho là hiếm gặp này.

Các ngư dân đã bán con cá này cho thương lái với giá 18 triệu đồng.

Trâu hồng lạ mắt, được trả giá tiền tỷ



Xuất hiện trên đường Nguyễn Văn Nghi, quận Gò Vấp, TP.HCM, vào ngày 21/2 (đúng ngày vía Thần Tài), chú trâu với màu da hiếm thấy - màu hồng - khiến nhiều người rất thích thú vì lần đầu tiên thấy một con trâu có màu da lạ như thế.

Chủ nhân của con trâu có màu da hiếm này là ông Đặng Văn Ghên (huyện Củ Chi, TP.HCM). Ông Ghên cho biết, con trâu này thuộc giống trâu cò, thuộc giống trâu hồng dạng hiếm ở Thái Lan. Bố của ông đã mua con trâu từ năm 2001 khi nó được mang đến Tây Ninh với giá khoảng 12 triệu đồng. Con trâu này có màu hồng từ lúc sinh ra. Con trâu này rất khỏe, mỗi ngày có thể kéo ngoài ruộng xa hơn 1 tấn cỏ để cung cấp thức ăn chính cho khoảng 200 con bò sữa.

Gần đây, có nhiều người muốn mua lại con trâu lạ này với giá khá cao. Có người trả giá cả tỷ đồng để mua con trâu về trưng trong nhà mình cho bạn bè và khách đến xem nhưng ông Ghên không bán.

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)