Nghịch lý thị trường BĐS TP.HCM: Giao dịch giảm, giá vẫn tăng
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp là nguyên nhân chính khiến lượng giao dịch bất động sản trên thị trường giảm mạnh. Tuy vậy, ở một số khu vực tại TP.HCM, giá bán căn hộ vẫn tăng.
"Lướt sóng" nhưng "mắc cạn"
Theo nhiều chuyên gia, thị trường bất động sản đang trải qua giai đoạn khó khăn. Riêng tại TP.HCM, số liệu thống kê cho thấy, nguồn cung sơ cấp khan hiếm, giá bán tăng cao. Trong khi đó, giá bán trên thị trường thứ cấp có chiều hướng giảm nhưng lượng tiêu thụ không khả quan.
Điều này khiến không ít nhà đầu tư rơi vào cảnh lướt sóng nhưng mắc cạn, chấp nhận bán giá hòa vốn, thậm chí lỗ, sau một thời gian dài đầu tư nhưng vẫn không thể "thoát hàng".
Anh T.V.D (ngụ TP Thủ Đức) cho biết, đầu năm 2021, anh mua một căn hộ tại dự án chung cư ở Quận 8 với giá 2,7 tỷ đồng. Vị trí dự án khá đẹp khi nằm ở khu dân cư đông đúc và giao thông thuận tiện.
Theo anh D., ý định ban đầu của anh là mua để đầu tư, chờ nhận bàn giao nhà sẽ bán kiếm lời. Đến giữa năm 2022, anh D. gặp khó khăn về dòng tiền nên cần bán nhanh. Tuy anh D. chỉ bán bằng giá mua lúc đầu trên hợp đồng nhưng không có khách quan tâm.
“Trước khi gửi môi giới bán giúp, tôi muốn "trả lại" hàng cho chủ đầu tư với giá như trên hợp đồng nhưng họ cũng không thu lại. Thời điểm cần tiền gấp, tôi chấp nhận bán lỗ vài chục triệu đồng nhưng cũng không có ai mua”, anh D. chia sẻ.
Sau đó, anh buộc phải vay ngân hàng để nhận bàn giao căn hộ bởi nếu không thì chủ đầu tư sẽ phạt vì chậm thanh toán. Hiện, mỗi tháng anh phải chi thêm 4 triệu đồng để trả lãi ngân hàng vì tiền cho thuê căn hộ không đủ bù đắp.
Tương tự, anh T.T.N (ngụ Quận 3) cũng đang đau đầu vì trót đầu tư căn hộ tại TP Thủ Đức. Năm 2021, anh N. mua căn hộ 80m2 tại một dự án chung cư ở TP Thủ Đức với giá 3,4 tỷ đồng.
Với vị trí nằm ở khu trung tâm, anh N. nhận định, tiềm năng tăng giá rất rõ. Để mua được căn này, anh N. phải vay ngân hàng 1,5 tỷ đồng.
Cuối năm ngoái, vì việc kinh doanh không thuận lợi nên anh N. muốn bán căn hộ. Dù rao với giá hoà vốn nhưng vài tháng qua anh N. vẫn chưa bán được. Hiện mỗi tháng anh N. phải trả lãi và gốc cho ngân hàng 15 triệu đồng.
Chia sẻ với PV VietNamNet, đại diện DKRA Group cho hay, giá căn hộ tại TP.HCM và vùng phụ cận trong năm 2022 diễn biến trái chiều. Cụ thể, giá bán sơ cấp ghi nhận tăng nhẹ từ 2 – 4% do chi phí đầu vào tăng thì giá bán thứ cấp lại giảm từ 3 – 8%. Không ít người mua đầu tư gặp khó khăn về dòng tiền, chấp nhận bán ngang giá lúc mua vào nhưng thanh khoản thấp.
Dưới góc độ người mua nhà, theo vị này, vấn đề lạm phát và lãi suất vay có xu hướng tăng cao cũng ảnh hưởng đến tâm lý khi quyết định mua nhà vào thời điểm này. Nguồn hỗ trợ tài chính từ các ngân hàng đã giảm đáng kể, điều này khiến cho chủ dự án lẫn người mua nhà gặp khó khăn.
Khó vay vốn, người mua trả hàng
Khảo sát từ Savills Việt Nam cho thấy, lượng giao dịch nhà ở tại TP.HCM đang chậm lại và giá bán trung bình có dấu hiệu tăng cao.
Cả năm 2022, tổng giao dịch căn hộ tại TP.HCM đạt 14.600 căn, tỷ lệ hấp thụ khoảng 69%. Đây là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Chiếm chủ yếu trong đó là các căn hộ có giá bán từ 2 – 5 tỷ đồng/căn. Căn hộ có giá bán dưới 2 tỷ đồng gần như mất hút.
Trong khi đó, giá bán căn hộ trung bình đang ở mức cao, khoảng 107 triệu đồng/m2. Riêng quý cuối của năm 2022, giá bán căn hộ sơ cấp trung bình lên đến 125 triệu đồng/m2, tăng 71% so với năm 2021.
Theo bà Võ Thị Khánh Trang – Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Savills TP.HCM, khảo sát cho thấy, ở những dự án tầm trung, lượng khách hàng cần ngân hàng hỗ trợ vốn từ 50 – 80% giá trị căn hộ. Điều này cho thấy nhiều người mua sẽ gặp khó nếu không có đòn bẩy tài chính.
“Trong các dự án đang mở bán, tồn tại một số trường hợp người mua trả hàng vì họ không thể thực hiện được quy trình vay vốn ngân hàng theo tiến độ”, bà Trang chia sẻ.
Trong bối cảnh nguồn vốn hạn chế và nguồn cung nhà ở mới có giá bán cao, chuyên gia của Savills cho biết, có 80% lượng giao dịch thành công đến từ những dự án vững pháp lý và tiến độ xây dựng đảm bảo như cam kết.
Điều đó cho thấy nhóm khách hàng có sẵn tiền sẽ nhìn vào tiến độ xây dựng và tính pháp lý của dự án, họ xem đây là yếu tố quyết định để mua nhà. Đây là vấn đề các chủ đầu tư nên nhìn nhận và chú trọng.
Bà Trang nhận định, nửa đầu năm 2023, thị trường sẽ vẫn còn những khó khăn cho chủ đầu tư và chờ chính sách của Nhà nước được hoàn thiện. Kỳ vọng đến quý III và quý IV/2023 sẽ có những chính sách và hỗ trợ tài chính từ các ngân hàng rõ ràng hơn.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp là nguyên nhân chính khiến lượng giao dịch bất động sản trên thị trường giảm mạnh. Tuy vậy, ở một số khu vực tại TP.HCM, giá bán căn hộ vẫn tăng.
Có gần 3.000 căn hộ và nhà ở tại TP.HCM đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, tuy vậy phân khúc nhà ở trung cấp và bình dân có giá bán dưới 40 triệu đồng/m2 gần như mất hút.
Ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và vướng mắc về thủ tục pháp lý dẫn đến hạn chế nguồn cung sản phẩm được cho là nguyên nhân chính khiến không ít doanh nghiệp BĐS lâm vào tình cảnh khó khăn.