“Thuốc nào khoa thiếu, chúng tôi phải liên hệ với các công ty dược, các nhà thuốc, xem chỗ nào còn mà giá rẻ nhất thì giới thiệu cho bệnh nhân đến mua”, bác sĩ của bệnh viện này nói. Tất nhiên, khoản tiền này do người bệnh trả toàn bộ, thay vì Bảo hiểm y tế (BHYT) đồng chi trả khi cấp thuốc trong bệnh viện.
Trước tình cảnh trên, một số bệnh nhân đã yêu cầu được chuyển tuyến để hưởng đầy đủ quyền lợi khi tham gia BHYT. Thế nhưng đi một vòng, họ cũng quay lại bệnh viện quận vì vẫn gặp cảnh thiếu thuốc.
Để khắc phục, bác sĩ sẽ xem xét thay thế loại thuốc đang thiếu bằng một loại khác cùng hoạt chất, hàm lượng, miễn sao đúng phác đồ điều trị. Thuốc biệt dược hết thì chuyển sang nhóm thuốc generic. Sau đó, bác sĩ, điều dưỡng liên hệ xem nơi nào còn thuốc, giá rẻ sẽ hướng dẫn người bệnh mua.
“Không thể yêu cầu thuốc ngoại hay thuốc nội mà chỉ cần có thuốc! Nhiều thuốc đắt đỏ có tiền cũng không mua được vì coog ty dược ngưng sản xuất, ngưng cung ứng. Khoa chúng tôi đang cố gắng giữ hết mức có thể”, ông nói.
Tình trạng thiếu thuốc xảy ra khắp nơi và kéo dài. Tháng 4/2022, Bệnh viện Chợ Rẫy thiếu thuốc chống thải ghép (dùng cho bệnh nhân ghép mô tạng) thuộc danh mục BHYT chi trả.
Khi đó, bệnh nhân ghép thận phải mua thuốc ở bên ngoài với giá đắt đỏ. VietNamNet đặt câu hỏi với Bệnh viện Chợ Rẫy, những bệnh nhân này có được thanh toán lại tiền hay không?
Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của bệnh viện cho biết, trước năm 2018, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ thanh toán trực tiếp lại chi phí này cho người bệnh. Một thời gian sau, thay đổi thành Bệnh viện Chợ Rẫy thanh toán cho người bệnh và Bảo hiểm xã hội thanh toán lại với bệnh viện.
“Tuy nhiên, từ 2018 đến nay, cơ quan Bảo hiểm không thực hiện việc này nữa. Các bên (Bệnh viện và Bảo hiểm) đều theo đúng quy định, nhưng cũng rất thương cho người bệnh vì đây là quyền lợi chính đáng của họ”, bác sĩ Việt nói.
Dường như, quyền lợi chính đáng của người bệnh không được các quy định hiện hành bảo vệ. Sáng 19/6, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho biết, tình trạng thiếu thuốc BHYT khiến người dân phải mua thuốc bên ngoài, lỗi là do cơ sở y tế không cung ứng đủ thuốc.
Việc thanh toán lại cho người bệnh là không thể!
“Hiện nay, theo Nghị định 146 và Thông tư 09 của Chính phủ không quy định thanh toán lại cho bệnh nhân nếu mua thuốc BHYT bên ngoài nên không thể thanh toán lại”, bà Hằng trả lời.
“Điều 21. Quyền và trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong thực hiện hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế
2. Trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:
b) Bảo đảm cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật phù hợp tuyến chuyên môn kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;”
Trường hợp người bệnh phải mua thuốc do cơ sở khám, chữa bệnh không cung ứng đủ thuốc thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT không thuộc các trường hợp được thanh toán trực tiếp chi phí khám, chữa bệnh BHYT tại cơ quan BHXH theo Khoản 2 Điều 31 Luật Bảo hiểm y tế 2008, sửa đổi năm 2014 và khoản 1 Điều 4 Thông tư 09/2019/TT-BYT.
Bà Hằng cũng xác nhận, thiếu thuốc BHYT không phải lỗi của bệnh nhân. BHXH Việt Nam đã có công văn đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia và các đơn vị trực thuộc đẩy nhanh tiến độ đấu thầu đối với các thuốc thuộc Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp Quốc gia, Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá.
Đồng thời, đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện mua sắm nhanh bằng các hình thức khác phù hợp. “Tuyệt đối không để người bệnh BHYT phải tự mua các thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục được hưởng của người tham gia BHYT”, văn bản nêu.
Khá nhiều văn bản, chỉ đạo trong một tháng qua yêu cầu đảm bảo quyền lợi người bệnh. Nhưng số liệu bệnh nhân BHYT phải bỏ tiền mua thuốc, kim truyền… bên ngoài để được chăm sóc, điều trị thì vẫn chưa có ai công bố.
Và rõ ràng, với các quy định hiện tại, người bệnh tự mua thuốc BHYT bên ngoài (vì bệnh viện thiếu thuốc) sẽ không có cơ hội nhận lại khoản tiền này.
“Không ai, không cơ quan nào cam kết khi nào sẽ khắc phục tình trạng thiếu thuốc hiện tại, không xác định thời điểm nào thuốc sẽ đến tay bác sĩ và bệnh nhân. Bệnh nhân thì tự trả tiền thuốc dù đã tham gia BHYT. Điều này rất vô lý và không công bằng”, một bác sĩ trưởng khoa bức xúc.
Còn với người dân, việc tham gia BHYT đồng nghĩa với việc đặt lòng tin vào chính sách an sinh của nhà nước. BHYT đặc biệt quan trọng với bệnh nhân nghèo, người bệnh mãn tính, bệnh nhân ung thư... Nếu không có BHYT, họ sẽ phải từ bỏ điều trị vì gánh nặng tiền bạc.
Thế nhưng, những gì đang diễn ra lại rất khác!