Để chuẩn bị cho bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, cô Nguyễn Lam Thủy, giáo viên dạy Văn của Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn (huyện Diễn Châu, Nghệ An) yêu cầu các em học sinh lớp 11A5 tìm hiểu về nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.
Em Lê Thu Giang (thành viên nhóm số 1) cho biết, hôm đó, hết tiết học môn Văn em đã bàn với các bạn trong nhóm (9 nữ, 2 nam) làm một cái gì đó sáng tạo để mọi người dễ hiểu, dễ nhớ về cuộc đời của tác giả.
Nữ sinh này gợi ý lập một Facebook cho cụ Nguyễn Đình Chiểu và được cả nhóm tán thành.
Thông tin của cụ Nguyễn Đình Chiểu thể hiện qua một trang cá nhân trên Facebook. |
Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, nhóm học sinh lại lọc tư liệu về cuộc đời của nhà thơ từ sách giáo khoa lớp 11 và một phần từ Wikipedia. Các em mua giấy A0 và A3, màu tô, bút lông để thực hiện sản phẩm. Ba bạn có năng khiếu hội họa đảm nhiệm việc vẽ, số còn lại tô màu và trang trí họa tiết.
Em Vương Thái Bình (trưởng nhóm số 1) kể, tác phẩm được dựng trên 7 bức tranh. Bức thứ nhất là thông tin về Facebook với phần nổi bật là chân dung cụ Chiểu, kèm theo năm sinh, quê quán, họ tên bố, mẹ và vợ.
Bức thứ hai là bức ảnh mô phỏng cụ Nguyễn Đình Chiểu check in ở trường thi Gia Định kèm theo dòng tâm trạng: "Đã thực hiện được ước mơ, Huế thẳng tiến...". Thông điệp bức tranh tái hiện việc Nguyễn Đình Chiểu đi thi ở Gia Định năm 1843.
Bức thứ ba là status "Có công mài sắt, có ngày nên kim. Good luck, Chiểu", kèm bức ảnh chụp con đường đến Huế đi thi.
Ở phần bình luận, có một nick là nho sĩ đã báo "Chiểu ơi, mẹ mất rồi, về đi...!". Nội dung bức tranh muốn nói năm 1849 Nguyễn Đình Chiểu trên đường tới Huế dự thi thì nhận tin mẹ mất. Trên đường trở về Nam chịu tang mẹ, vì khóc nhiều nên hai mắt nhà thơ bị mù.
Năm 1849, khi Nguyễn Đình Chiểu trên đường tới Huế đi thì nhận tin mẹ mất |
Tiếp sau là dòng trạng thái: "Hãy thắp lên một ngọn nến, còn hơn cứ ngồi nguyên trong bóng tối", kèm theo 3 bức ảnh. Thông điệp bức tranh thể hiện nghị lực của Nguyễn Đình Chiểu sau khi chịu tang mẹ 3 năm thì ông đã mở trường dạy học, bốc thuốc, làm thơ.
Sau 3 năm chịu tang mẹ, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu mở trường dạy học, bốc thuốc, làm thơ |
Năm 1859, Nguyễn Đình Chiểu cùng với các lãnh tụ nghĩa quân bàn mưu đánh đuổi giặc ngoại xâm. |
Khi thấy một Facebook có tên Thực dân Pháp kèm lá quốc kỳ đang vẫy tay chào, cụ Chiểu lập tức chặn Facebook này. |
Năm Mậu Tý 1888, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu mất. Ngày đưa tang ông, cả cánh đồng An Đức phủ tang trắng của những người mến mộ khóc thương.
Năm 1888, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu mất, khăn tang phủ trắng những người khóc thương cụ |
Theo em Bình, để hoàn thành tác phẩm, nhóm đã bỏ ra 120.000 đồng và mất 3 buổi chiều. Bốn ngày trước, Bình đại diện cho nhóm thuyết trình về tác phẩm với hơn 1.000 từ trong gần 10 phút.
Điều bất ngờ là cô giáo chấm 10 điểm, các bạn cùng lớp và trong trường ai cũng hào hứng, khen ngợi hết lời.
"Em từng làm nhiều dạng bài tập nhóm dạng vẽ biểu đồ, đồ họa, nhưng đây là lần đầu tiên chúng em vẽ tranh dựa trên ý tưởng từ một Facebook. Thời gian tới, chúng em sẽ cố gắng sáng tạo ra những cách học mới", một thành viên trong nhóm nói.
Cô Nguyễn Lam Thủy đã rất bất ngờ về cách thuyết trình sáng tạo và dễ hiểu của học sinh. Hơn 15 năm làm nghề, đây là lần đầu tiên cô gặp một nhóm sáng tạo như vậy.
Nhóm học sinh thực hiện tác phẩm và cô giáo Nguyễn Lam Thủy. |
Ông Nguyễn Văn Khoa, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An cho rằng, tranh minh họa của các em có thể chưa lột tả hết nội dung sâu sắc của tác phẩm và nhân vật, nhưng rất đáng trân trọng bởi các em phần nào đã thể hiện được năng khiếu hội họa, kỹ năng thuyết trình.
Theo ông Khoa, các trường học khác nên tư vấn, góp ý để các em có điều kiện phát huy tài năng, kỹ năng mềm và cách thuyết trình tốt hơn.
Quốc Huy – Phạm Tâm
Vĩnh Long yêu cầu theo dõi học sinh vào Facebook, Zalo
Sở GD-ĐT Vĩnh Long yêu cầu các trường có kế hoạch theo dõi, kiểm tra việc sử dụng mạng xã hội của học sinh để kịp thời phát hiện các biểu hiện lệch lạc, gây tác hại xấu đến môi trường giáo dục và xã hội.