Cổ phiếu FPT của Công ty cổ phần FPT của ông trùm công nghệ Trương Gia Bình vừa có 7 phiên tăng liên tiếp với tổng mức tăng từ mức 44.400 đồng lên 47.200 đồng/cp. Thanh khoản cổ phiếu FPT cũng ở mức cao, tăng vọt trong 2 phiền vừa qua, lên trên 1 triệu đơn vị mỗi phiên, trị giá 50-60 tỷ đồng.

Đây là một màn trình diễn khá ngoạn mục sau khi các cổ đông thắc mắc với câu hỏi cổ phiếu FPT gần đứng im trong cả một năm vừa qua cho dù chỉ số giá trên lợi nhuận mỗi cổ phiếu (P/E) ở mức thấp. Tuy nhiên, 1 sự thật bất ngờ là với đợt tăng giá này, cổ phiếu FPT mới trở lại bằng mức giá 12 năm trước.

Hiện tượng cổ phiếu FPT tăng sau đại hội được cho là do DN công bố nhiều thông tin tốt và một loạt kế hoạch khá hấp dẫn. FPT chi ngàn tỷ để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ giống như 5 năm trước đó: 30%.

Năm 2019, FPT đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trước thuế ở mức 15-16% lên tương ứng 26,7 ngàn tỷ đồng và 4,5 ngàn tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của khối công nghệ thậm chí tăng trên 27% lên trên 1,9 ngàn tỷ đồng,...

{keywords}
 

Hầu hết các đánh giá đều cho rằng, FPT là một DN công nghệ đầu ngành, có tốc độ tăng trưởng ổn định và chịu ít rủi ro trong ngắn hạn, tiềm năng của DN lớn, được cổ đông ngoại quan tâm,...

Tuy nhiên, một sự thật là mức tăng giá của FPT khiến giới đầu tư trên sàn nản lòng. Cổ phiếu FPT không hề tăng, mà trên thực tế là còn đang thấp hơn so với giá những phiên đầu niêm yết trên sàn chứng khoán cách đây hơn 12 năm (giá điều chỉnh).

Hơn 12 năm trời ròng rã, thị giá cổ phiếu FPT mới trở lại giai đoạn đó cho dù tập đoàn này được cho là đã thay đổi rất nhiều và vẫn là DN công nghệ và viễn thông đầu ngành. Trong khi đó, có một sự thật là hàng loạt các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp đi sau khác có sự bứt phá ngoạn mục gia tăng áp lực cạnh tranh với FPT.

Trong 10 năm qua, các nhà đầu tư rót tiền vào Vinamilk và Vingroup có thể hưởng mức lợi nhuận hàng ngàn phần trăm. Đầu tư vào VIC và VNM nhà đầu tư lãi hàng chục lần trong vòng 1 thập kỷ. Có những năm cổ phiếu Vingroup tăng gấp 3 lần và cổ phiếu của ông Phạm Nhật Vượng vẫn đứng ở mức gần đỉnh cao lịch sử.

Trong khi cổ phiếu FPT giậm chân tại chỗ thì một cổ phiếu đối thủ của tập đoàn này là CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC (CMG) trỗi dậy mạnh mẽ và giành được thị phần đáng kể. Kể từ cuối năm 2018 tới nay, cổ phiếu CMG đã tăng giá thêm 50%, từ mức dưới 20.000 đồng/cp lên 30.000 đồng/cp như hiện tại.

Các đánh giá cho thấy, tiềm năng tăng trưởng của FPT còn rất lớn, nhất là khi tập đoàn này vừa mới tái cơ cấu, tập trung vào mảng kinh doanh có biên lợi nhuận cao thay vì dàn trải nhiều lĩnh vực như giai đoạn trước.

Tuy nhiên, khi FPT đang cơ cấu để thay đổi và thoát khỏi sự nặng nề thì cũng phải đối mặt với cạnh tranh với các dối thủ khác đang mạnh lên và rút ngắn khoảng cách với FPT. Nếu trước đây, FPT áp đảo với tuyến cáp trục Bắc - Nam hơn 4.000 km thì nay CMC Telecom thuộc CMC đã ra mắt tuyến đường trục cáp quang Bắc - Nam 2.500 km giúp nâng tầm CMG lên một vị thế mới. Hiện tại, FPT và CMG là 2 nhà tích hợp hệ thống lớn nhất Việt Nam nhưng doanh thu mảng này của FPT đang sụt giảm, trong khi CMG tăng trưởng đều đặn.

Theo kế hoạch, năm 2019 FPT sẽ đẩy mạnh hoạt động của lĩnh vực xuất khẩu phần mềm với các định hướng như tập trung bán dịch vụ cho các khách hàng lớn, bán các giải pháp công nghệ của FPT; đầu tư trọng điểm vào công nghệ chuyển đổi số; nâng cao năng lực chuyên sâu trong một số ngành trọng điểm và theo sát sự phát triển mở rộng của khách hàng trong ngành hàng không, ô tô, tài chính, ngân hàng, robot... FPT dự kiến đẩy mạnh đầu tư cho khối viễn thông và khối công nghệ.

Hiện nay, gia công mảng xuất khẩu phần mềm của FPT đã có sự ổn định với mức doanh thu 2018 tăng trưởng 35% và LNTT tăng 27%. Trong khi đó, FPT đã rút dần khỏi phân phối khi FPT Retail chỉ còn là công ty liên kết không hợp nhất doanh thu, chỉ hợp nhất lợi nhuận theo vốn chủ sở hữu. Còn Sendo chỉ mới dừng ở mức là 1 khoản đầu tư.

Tuy điều mà nhiều nhà đầu tư lo ngại là vấn đề động lực cho FPT trong giai đoạn tới là sau những thế mạnh đã xác lập như phần mềm, viễn thông... người ta đang trông đợi những đột phá hay giải pháp mới như đã từng đưa FPT vượt trội như trước đây.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), áp lực bán vẫn ở mức cao. Nhiều cổ phiếu trụ cột giảm điểm như Vinhomes, Vingroup, Vincom Retal, VPBank, VietJet, Vietcombank,... Ở chiều ngược lại, nhóm dầu khí và dệt may tăng điểm.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Theo Chứng khoán Bảo Việt, thị trường dự báo sẽ tiếp tục có biến động giằng co, đi ngang với các nhịp tăng giảm đan xen trong một vào phiên tiếp theo. Áp lực giảm điểm từ các cổ phiếu bluechips trong rổ vn30 sẽ tạo ra lực cản đối với kỳ vọng tăng điểm của thị trường. Dù vậy, kịch bản giảm sâu của thị trường cũng khó xảy ra do các nhóm cổ phiếu đang có xu hướng phân hoá mạnh theo thông tin lợi nhuận quý 1 và kế hoạch kinh doanh năm 2019 của từng doanh nghiệp cụ thể.

Dòng tiền dự kiến sẽ có sự dịch chuyển luân phiên vào các nhóm cổ phiếu để tìm kiếm lợi nhuận. Một số ngành như dầu khí, điện, thuỷ sản, công nghệ và một số cổ phiếu bất động sản được kỳ vọng sẽ có diễn biến tích cực trong những phiên tới.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/4, VN-Index giảm 1,35 điểm xuống 984,46 điểm; HNX-Index giảm 0,19 điểm xuống 107,3 điểm. Upcom-Index giảm 0,46 điểm xuống 56,64 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 260 triệu đơn vị, trị giá 5,1 ngàn tỷ đồng.

H. Tú