Sau hai lần hoãn toà, sáng 23/6, TAND huyện Đông Anh mở phiên xét xử sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Văn Lưỡng, nguyên bí thư thôn Đường Yên (xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh) về tội danh “lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Bị cáo Lưỡng đã thu tiền phí đính chính sổ hộ khẩu của 72 hộ dân sai quy định với tổng số tiền 10 triệu 100 ngàn đồng.
Sự việc xảy ra vào thời điểm tháng 3/2021 khi Công an huyện Đông Anh, Công an xã Xuân Nộn tiến hành làm căn cước công dân cho người dân, đồng thời tiến hành đính chính thông tin bị sai trong sổ hộ khẩu tại các thôn trong xã.
Tổng số có 72 sổ hộ khẩu sai thông tin được đính chính. Khi đã hoàn tất, bị cáo Nguyễn Văn Lưỡng được Đại uý Nguyễn Tiến Điển, công an viên phụ trách thôn Đường Yên nhờ trả sổ cho dân.
Sau khi xảy ra sự việc thu tiền ngoài sổ sách (150 ngàn đồng/trường hợp), một công dân trong thôn đã có đơn tố giác việc làm trái quy định pháp luật, CQĐT Công an huyện Đông Anh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Tháng 5/2021, kết luận điều tra công an huyện Đông Anh cho biết, bị can Lưỡng khai được Đại uý Nguyễn Tiến Điển nhờ trả giúp sổ hộ khẩu đính chính và nhờ thu giúp 150 ngàn đồng/trường hợp tiền “hỗ trợ anh em làm việc”.
Sau đó, bị cáo Lưỡng công khai thông tin này trên các nhóm zalo, phát lên loa phát thanh của thôn... Việc trả sổ, thu tiền diễn ra tại Nhà văn hoá thôn Đường Yên - có sự chứng kiến của nhiều người.
Trong khi đó, Đại uý Điển thừa nhận có nhờ Lưỡng đi trả giúp các sổ hộ khẩu đã đính chính nhưng không nhờ thu hộ tiền.
Kết luận cho biết, Đại uý Điển đã cầm 10 triệu đồng nói trên và nhờ một vài người khác (là trưởng/phó thôn; dân quân tự vệ thôn Đường Yên) dẫn đường để đến từng nhà trả lại tiền thu sai quy định. Bị can Lưỡng nộp lại cho CQĐT 250 ngàn đồng; Đại uý Điển nộp 300 ngàn đồng “tiền bà con cho nhưng không nhận”.
Nhiều bất thường
Luật sư Trần Đình Triển (Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) là luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Lưỡng. Ông Triển đã thực hiện các thủ tục theo quy định với TAND huyện Đông Anh để tham dự phiên toà sáng 23/6 với tư cách luật sư bào chữa.
Luật sư Triển cho biết, có nhiều vấn đề cần làm rõ trong vụ án này.
Thứ nhất, kết luận điều tra cho biết, bị cáo Lưỡng có thông báo cho người dân trong thôn về việc đến Nhà văn hoá thôn nhận sổ và “đóng 150k/sổ”; phát trên hệ thống loa phát thanh của thôn. Tiếp đó, việc trả sổ/thu tiền diễn ra tại nhà văn hoá thôn, có sự chứng kiến của nhiều người.
Một số người dân thắc mắc về việc thu tiền, bị cáo Lưỡng nói đến gặp anh Điển giải thích. Lời khai của một số người dân cho biết có đến hỏi anh Điển và được anh Điển trả lời “hỗ trợ anh em làm việc”.
Nếu với mục đích tự ý thu tiền để trục lợi cá nhân, chắc chắn bị cáo Lưỡng sẽ không công khai thông báo trên zalo do mình lập ra và phát trên loa phát thanh thôn… mà sẽ thu dấm dúi hoặc trả sổ tận nhà từng người và thu tiền.
Ngoài ra, với vai trò công an xã phụ trách thôn, khi bị cáo Lưỡng công khai thông tin thu 150 ngàn đồng/sổ hộ khẩu đính chính, Đại uý Điển có trách nhiệm ngăn cản/báo cáo chính quyền địa phương hoặc giải thích cho người dân không thực hiện theo hướng dẫn sai quy định này của Lưỡng.
Tuy nhiên, kết luận điều tra không có thông tin này, tức là Đại uý Điển biết nhưng không ngăn chặn theo thẩm quyền, nhiệm vụ của mình.
Với diễn biến sự việc như trên, với các nhân chứng, lời khai của nhân chứng (người dân), việc Đại uý Điển nói không biết việc bị cáo Lưỡng thu khoản tiền trên là rất vô lý, dù có phủ nhận việc nhờ thu hộ tiền.
Bất thường thứ hai, là khi có đơn tố giác, anh Điển lại cầm số tiền (10 triệu đồng) và nhờ một số người là trưởng/phó thôn, dân quân tự vệ dẫn anh Điển đến từng nhà để trả lại tiền. Việc này, các hộ nhận lại tiền sẽ xác nhận.
Nếu như không biết/không liên quan ngay từ đầu, tại sao Đại uý Điển lại thay Lưỡng đi làm việc đó (trả lại tiền cho người dân – Pv).
Số tiền thu sai quy định nói trên là tang vật của vụ án. CQĐT công an huyện Đông Anh sẽ thu giữ để phục vụ điều tra, Đại uý Điển không được phép đi trả lại. Đó là hành vi tiêu huỷ tang vật.
Kiên Trung