Hôm nay (8/11), đảng Dân chủ sẽ phải vượt qua tiền lệ hàng thập kỷ nếu muốn tiếp tục giữ quyền kiểm soát Thượng viện hoặc Hạ viện. Nếu đảng Cộng hòa giành được quyền kiểm soát một hoặc cả hai viện thì sẽ có những tác động lớn về cả mặt đối nội và đối ngoại.
“Đỏ lấn át xanh”
Phân tích của chuyên trang FiveThirtyEight cho thấy, đảng Cộng hòa đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò phiếu bầu chung, 46,6% so với 45,5% của đảng Dân chủ. Khoảng cách 1,1 điểm % là rất thấp, cho thấy sự ganh đua gắt gao và phân cực của chính trị Mỹ.
Tại kỳ bầu cử giữa kỳ này, cử tri Mỹ sẽ bầu lại toàn bộ 435 ghế ở Hạ viện và 35/100 ghế tại Thượng viện. Ngoài ra, các cử tri cũng bầu chọn 36 ghế Thống đốc bang, 30 Tổng chưởng lý và 27 Tổng thư ký bang, hàng nghìn nghị sỹ cấp bang và quan chức địa phương.
Giới quan sát nhận định cuộc cạnh tranh diễn ra gay gắt và phần thắng đang nghiêng về phe Cộng hòa với 02 kịch bản chính: Đảng Cộng hòa chỉ kiểm soát Hạ viện hoặc cả Thượng viện.
Ở Thượng viện, 35/100 ghế đang được bầu lại, trong đó 8-11 có khả năng về Dân chủ và 14-19 về Cộng hòa, 5 ghế còn lại tập trung vào các bang hay dao động như Arizona, Georgia, Nevada, Pennsylvania và Wisconsin. Đảng Cộng hòa chỉ cần thêm 1 ghế để phá thế cân bằng và kiểm soát Thượng viện.
Ở Hạ viện, 435 thành viên được bầu lại với nhiệm kỳ 2 năm. Đảng Dân chủ nắm lợi thế 220-212 với 3 ghế trống (ủng hộ Đảng Cộng hòa). Đảng Cộng hòa chỉ cần ít nhất 5 ghế để nắm quyền Hạ viện và điều này hoàn toàn dễ dàng.
Xoay chuyển đa mặt
Về mặt chính sách
Đảng nào kiểm soát Quốc hội và thành viên đảng nào giành được quyền lực ở các bang sẽ ảnh hưởng đến các ưu tiên chính sách. Trong khi đảng Cộng hòa coi vấn đề nhập cư, quyền tôn giáo, giải quyết tội phạm ở vị trí cao trong chương trình hành động thì phe Dân chủ tập chung thúc đẩy giải quyết các vấn đề môi trường, chăm sóc sức khỏe, quyền bỏ phiếu, và kiểm soát súng đạn.
Các chủ đề nghị sự chính trong cuộc bầu cử lần này bao gồm vấn đề kinh tế, tội phạm, quyền phá thai và lạm phát. Một số chính sách này có thể bị đảo ngược.
Nếu đảng Cộng hòa cũng nắm quyền kiểm soát Thượng viện thì quá trình thông qua những đề xuất nhân sự của Tổng thống Biden tại các tòa án liên bang và các cơ quan chính phủ dự đoán sẽ đi vào bế tắc.
Về mặt pháp lý
Nếu có sự dịch chuyển sau ngày 8/11, đảng Cộng hòa sẽ xoay ngược tình thế và quay ngược trở lại điều tra đảng Dân chủ. Trong suốt hai năm qua, đảng Dân chủ đã hạn chế những đợt giám sát nhằm vào Nhà Trắng, thay vào đó, tập trung vào các phiên điều trần trách nhiệm của chính quyền cựu Tổng thống Trump trong vụ tấn công Điện Capitol năm 2021.
Phe Cộng hòa đã chuẩn bị sẵn kế hoạch “trả đũa”, bao gồm giải tán ủy ban điều tra này, mở phiên điều trần về mối quan hệ kinh doanh của con trai Tổng thống Biden với Trung Quốc, chính sách nhập cư, việc Mỹ rút khỏi Afghanistan và nguồn gốc của Covid-19.
Về cuộc chạy đua 2024
Các cuộc bầu cử cũng rất quan trọng đối với cá nhân Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump. Kết quả sẽ được coi là thước đo sự tín nhiệm với chính quyền đương nhiệm, là phán quyết về khả năng tranh cử và phần nào phản ánh ý chí của cử tri Mỹ cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vào năm 2024.
Tỷ lệ ủng hộ ông Biden đã sụt giảm trong hơn một năm qua, trong khi cựu Tổng thống Donald Trump đang nổi lên trở thành ứng cử viên sáng giá của đảng Cộng hòa và chính trị bảo thủ của ông vẫn mang sức hấp dẫn với một bộ phận không nhỏ cử tri Mỹ.
Về mặt đối ngoại
Dù bất đồng ở vấn đề gì nhưng lưỡng đảng Mỹ lại đạt được sự đồng thuận trong ít nhất 2 trong số các ưu tiên của chính sách đối ngoại hiện tại: quan hệ với Trung Quốc và “chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga” tại Ukraine.
Trong khi cách tiếp cận gia tăng quyết đoán của Washington đối với Bắc Kinh và các lệnh trừng phạt vào Moscow dự kiến sẽ tiếp tục ổn định, thì các nhà phân tích cho rằng sự rạn nứt của đảng Cộng hòa về việc tiếp tục hỗ trợ tài chính cho Ukraine có thể trầm trọng hơn.
“Rất nhiều đảng viên Cộng hòa muốn nhìn thấy nhiều vũ khí hơn và ít có xu hướng hạn chế các loại vũ khí gửi tới Ukraine”, Leslie Vinjamuri từ tổ chức nghiên cứu Chatham House nói, “nhưng cùng lúc có một bộ phận nhất định của đảng này bỏ phiếu chống lại một số gói viện trợ tài chính đến Ukraine."
Mỹ hiện là quốc gia viện trợ lớn nhất cho Ukraine với tổng 52 tỷ USD. Nếu Washington “thoái lui”, các đồng minh khác sẽ có thể có hành động tương tự.
Cử tri Mỹ sẽ bắt đầu bỏ phiếu vào đêm 8/11 (theo giờ Việt Nam). Bầu cử Mỹ thường ẩn chứa nhiều biến số bất ngờ và lần bầu cử này có thể cũng không ngoại lệ.
Bảo Huy