Vấn đề đi hay ở của cổ phiếu HAG tại sàn HoSE đang là mối quan tâm của không chỉ cổ đông Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã chứng khoán: HAG) mà còn gây chú ý với cộng đồng nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đặc biệt, trong ngày 15/2, trên thị trường lan truyền lá đơn "kêu cứu" của một nhóm cổ đông tự cho là đang "sở hữu khá nhiều" cổ phiếu HAG và đầu tư vào HAGL sau thời điểm doanh nghiệp phát hành báo cáo tài chính (BCTC) đã kiểm toán năm 2020 (tháng 4/2021).
Trong đơn, những người tự nhận là cổ đông này bày tỏ bức xúc với thông tin lan truyền về việc Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) sẽ hủy niêm yết cổ phiếu HAG. Họ không đồng tình "lôi chuyện cũ ra xem xét", đồng thời cho rằng nếu HoSE đột nhiên thông báo HAG bị hủy niêm yết vì những chuyện xảy ra từ những năm trước sẽ gián tiếp "giết chết" các cổ đông, những nhà đầu tư vì kỳ vọng tương lai chứ không hề có trách nhiệm về những tồn đọng từ quá khứ trước thời điểm đầu tư.
Khả năng hủy niêm yết hoàn toàn không bất ngờ
Tuy nhiên, không cần đến động thái của những "cổ đông sở hữu khá nhiều cổ phiếu" trên, thực tế thì phía lãnh đạo HAGL cũng đã nhận thức rất rõ ràng về nguy cơ hủy niêm yết đối với cổ phiếu của tập đoàn này.
Cụ thể, trong văn bản đề ngày 27/1 của HAGL gửi Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) và Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE), lãnh đạo tập đoàn thừa nhận, việc điều chỉnh hồi tố số liệu BCTC dẫn đến chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2017, 2018 và 2019 bị lỗ. Điều này tạo quan ngại cổ phiếu HAG có khả năng bị xem xét về việc có tiếp tục thỏa mãn điều kiện niêm yết trên HoSE hay không.
Thậm chí, từ phiên họp ĐHĐCĐ thường niên của HAGL diễn ra ngày 26/11/2021 thì cổ đông HAGL cũng đã bàn bạc rất kỹ vấn đề này và thống nhất ghi vào Biên bản họp thể hiện nguyện vọng "kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp thuận duy trì niêm yết cổ phiếu HAG".
Lãnh đạo HAGL nêu rõ trong văn bản trên: "Xin kiến nghị UBCKNN, VNX và HoSE xem xét đến tình hình hiện tại của HAGL để duy trì việc niêm yết cổ phiếu bởi vì hầu hết cổ đông đang sở hữu cổ phiếu HAG hiện nay đều mua cổ phiếu dựa trên tình hình kinh doanh hiện tại và triển vọng tương lai chứ không dựa vào các thông tin tài chính trong quá khứ cách nay 3-5 năm".
Dẫn các dữ liệu hiện tại và triển vọng năm 2022, HAGL đã kiến nghị UBCKNN, VNX, HoSE cho phép áp dụng "điều kiện thử thách" là: Nếu kết quả kinh doanh bán niên và cả năm 2022 không có lãi thì hãy xem xét hủy niêm yết.
Như vậy, có thể khẳng định, nguy cơ hủy niêm yết đối với cổ phiếu HAG hoàn toàn không bất ngờ và đã nằm trong dự liệu của ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng như cổ đông HAGL.
Căn cứ nào để hủy niêm yết?
Trao đổi với người viết, một thanh tra viên trong ngành chứng khoán cho hay, theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 120 Nghị định 155 năm 2020 của Chính phủ thì doanh nghiệp sẽ bị hủy niêm yết trong trường hợp kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục trước thời điểm xem xét (không phải là "liền trước thời điểm xem xét" và cũng không đề cập đến việc có hồi tố hay không hồi tố).
Bên cạnh đó, vị này cho biết thêm, các trường hợp bị xem xét hủy theo quy định Điều 120 của Nghị định 155 còn có: Doanh nghiệp bị xử lý vi phạm về các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại các khoản 1,2,3 ,7 điều 12 Luật Chứng khoán (Điểm l); doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin (Điểm o).
Vị thanh tra viên này bình luận rằng, cổ phiếu HAG có thể bị hủy niêm yết theo Điểm e Khoản 1 Điều 120 NĐ155/2020 để hủy niêm yết đối với cổ phiếu HAG. Tuy nhiên, trong trường hợp này cũng phản ánh hành động quá chậm chạp của cơ quan chức năng, mà cụ thể là HoSE. Lẽ ra, nếu hủy niêm yết cổ phiếu HAG theo điểm này thì phải hủy ngay sau khi doanh nghiệp công bố báo cáo kiểm toán có nội dung hồi tố đối với thời gian trước đó.
Còn nếu hủy niêm yết theo Khoản l Điểm 1 Điều 120 Nghị định 155 thì cũng không sai vì với việc doanh nghiệp không công bố thông tin theo yêu cầu của UBCKNN về việc điều chỉnh hồi tố BCTC năm 2019 thì trường hợp này có thể xem cố tình che giấu thông tin hoặc bỏ sót thông tin cần thiết gây hiểu nhầm nghiêm trọng... Vào ngày 28/1, HoSE cũng đã công bố thông tin về việc xử phạt đối với HAGL với vi phạm này.
Về vấn đề xử lý của HoSE đối với cổ phiếu HAG, trường hợp có tính đến ảnh hưởng của ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán, HAG sẽ thuộc diện kiểm soát sau khi có Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 đã được kiểm toán theo quy định tại Tiết b Điểm 1.1 Khoản 1 Điều 23 Quy chế niêm yết chứng khoán của HoSE. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến năm 2019, cổ phiếu HAG duy trì tình trạng cảnh báo tại HoSE. Như vậy, quá trình xử lý của HoSE được cho là chưa đúng với quy chế niêm yết.
Những quan điểm trái ngược về việc xử lý cổ phiếu HAG
Rõ ràng, xét về mặt lý thì cổ phiếu HAG hoàn toàn có thể bị hủy niêm yết trên sàn HoSE và phải xuống giao dịch trên thị trường UPCoM, mọi doanh nghiệp đều phải tuân thủ. Thị trường không hiếm những doanh nghiệp có cổ phiếu bị "đuổi" khỏi sàn với lý do tương tự (thua lỗ liên tục 3 năm), đơn cử như HVG (Thủy sản Hùng Vương) của "vua cá" Dương Ngọc Minh.
Tuy nhiên, vấn đề của HAG lại trở nên phức tạp hơn và chưa có tiền lệ khi mà giai đoạn 3 năm lỗ liên tục lại đã lùi khá xa và hiện tại kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đã hồi phục.
Trao đổi với Dân trí, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, vấn đề này cần được nhìn nhận, soi xét kỹ. Việc xem xét hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu HAG dựa trên kết quả kinh doanh giai đoạn 2017-2019 nhưng nếu quy định luật nêu rõ về trường hợp hồi tố thì không nên hủy niêm yết cổ phiếu của HAGL ở thời điểm hiện tại.
Hơn nữa, năm 2021, HAGL đã báo lãi thì thời gian tới doanh nghiệp có thể sẽ đủ điều kiện niêm yết. Vậy nếu hủy rồi lại niêm yết trở lại sẽ phát sinh thêm những vấn đề không đáng có, tâm lý nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng. Hơn nữa, quy định hủy niêm yết - theo ông Đức - là để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư trước những doanh nghiệp kinh doanh triền miên thua lỗ, không đủ điều kiện huy động vốn. Theo đó, khi HAGL đã khắc phục được lỗ, vượt qua giai đoạn tiêu cực thì việc hủy niêm yết đối với cổ phiếu là không còn cần thiết.
Ngoài ra, LS Trương Thanh Đức cũng nhấn mạnh đến việc quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ bởi đây là những đối tượng yếu thế và ít thông tin, cần được bảo vệ.
Ở một góc nhìn khác, khi đề cập đến vấn đề này trên một chương trình truyền hình ngày 16/2, ông Phạm Lưu Hưng - Phó Giám đốc SSI Research - lại ví von, việc mua cổ phiếu cũng như mua hàng, không có chuyện mua hàng kém chất lượng rồi trả lại. "Khi đầu tư mà mình đặt cược vào việc doanh nghiệp sẽ hồi phục và đi lên mà thực tế lại không đúng thì mình phải chấp nhận thua lỗ, chứ không thể cứ khi thua lỗ thì bắt cơ quan quản lý làm con tin của họ" - ông Hưng đưa ra quan điểm.
Vị này cho rằng, nếu như việc hủy niêm yết là đúng luật thì "cứ thế mà làm". Đồng thời, chuyên gia SSI cũng lưu ý, trên thực tế, dù hủy niêm yết (trên HoSE) nhưng cổ phiếu doanh nghiệp không biến mất mà vẫn được đăng ký giao dịch trên UPCoM và cổ đông không mất quyền lợi giao dịch.
Vấn đề "đi hay ở" của HAGL hiện toàn quyền quyết định đang thuộc về HoSE nhưng phía lãnh đạo HoSE vẫn chưa có thông tin chính thức hay phát ngôn nào về việc này.
Trên thị trường chứng khoán ngày 16/2, cổ phiếu HAG lại quay về tình trạng giảm giá, mất 4,7% xuống mức 11.100 đồng/cổ phiếu. Khớp lệnh cũng giảm mạnh so với phiên trước, chỉ đạt hơn 14 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, mã này lại được giao dịch thỏa thuận tới 24,46 triệu đơn vị (giá trị thỏa thuận đạt 284,9 tỷ đồng).
Theo báo cáo tài chính năm 2021 vừa được HAGL công bố, năm vừa qua, HAGL có lãi sau thuế 126,6 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 2.383,3 tỷ đồng); trong đó, lãi sau thuế của công ty mẹ đạt 184,2 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ ròng 1.255,7 tỷ đồng). Năm 2022, HAGL dự kiến sẽ nâng doanh thu thuần lên 4.820 tỷ đồng và đạt 1.120 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. |
(Theo Dân trí)
Công ty bầu Đức đối diện án hủy niêm yết, bị ngân hàng bán cổ phiếu thu nợ
Hơn 25 triệu cổ phiếu HNG thuộc sở hữu của Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục bị ngân hàng bán để thu hồi nợ. Công ty của bầu Đức dù vừa báo lãi nhưng đối diện khó khăn khi đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết.