Hôm 28/2, ông Armin Papperger, CEO nhà thầu quân sự hàng đầu của Đức Rheinmetall, cho biết hai hệ thống phòng không Skynex và Skyranger vốn được Chính phủ Đức sử dụng để bảo vệ bầu trời Berlin. Hai hệ thống này, giá khoảng 200 triệu Euro, sẽ được gửi đến Ukraine trong năm nay.
“Chúng tôi có hai loại hệ thống chắc chắn có thể bảo vệ được Berlin”, RIA Novosti dẫn lời ông Papperger nói thêm, số lượng 4 hệ thống phòng không là đủ năng lực bảo vệ Berlin. Việc thiếu đi 2 hệ thống sẽ khiến năng lực bảo vệ giảm sút.
Hôm 25/2, hàng ngàn người biểu tình đã tập hợp ở thủ đô Berlin để kêu gọi Thủ tướng Đức Olaf Scholz “dừng tăng cường chuyển giao vũ khí”.
Hồi cuối tháng Một, Đức đã cam kết cung cấp 14 xe tăng Leopard 2 cho Ukraine. Ngoài ra, Đức tuyên bố sẽ hợp tác với các đối tác để thành lập hai tiểu đoàn thiết giáp, với 30 xe tăng/tiểu đoàn. Tuy nhiên, các đồng minh của Đức trong khối EU và NATO đến nay vẫn thờ ơ trong việc đóng góp xe tăng.
Cũng như Đức, Đan Mạch đã gửi 19 hệ thống lựu pháo Caesar do Pháp sản xuất cho Kiev. Động thái này đã gây tổn hại đến khả năng phòng thủ của Đan Mạch. Bởi các hệ thống pháo binh được xem một thành phần quan trọng trong kế hoạch triển khai lữ đoàn bộ binh hạng nặng của Đan Mạch.
Giới chức một số quốc gia NATO từng cảnh báo việc cung cấp vũ khí và đạn dược liên tục cho Ukraine với quy mô lớn sẽ khiến nhiều nước phải trả giá là mất đi năng lực phòng thủ quốc gia.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng nhiều lần nhận định việc các nước cung cấp viện trợ quân sự cho Kiev sẽ không làm thay đổi được tình hình cuộc xung đột, mà thay vào đó chỉ “kéo dài sự đau khổ của người dân Ukraine”.