Theo Ths.BS Phạm Như Quỳnh, nguyên bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương, tình trạng lạm dụng corticoid diễn ra phổ biến ở nhiều nơi.
Đó là việc người cao tuổi thường tiêm thuốc khớp có thành phần corticoid nhưng không theo sự tư vấn của bác sĩ. Theo đó, tuổi cao sẽ kéo theo nhiều hệ lụy liên quan tới xương khớp. Một số trường hợp cần sử dụng corticoid tiêm vào khớp để điều trị. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tiêm corticoid vào khớp gối giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng đau, viêm. Việc điều trị cần có sự chỉ định của bác sĩ về liều lượng, thời gian…Tuy nhiên hiện ở một số địa phương ,việc tiêm corticoid vào khớp còn rất tuỳ tiện.
“Corticoid là nhóm thuốc được sử dụng trong điều trị các bệnh lý liên quan đến viêm dị ứng và miễn dịch. Trong quá trình sử dụng thuốc, dừng thuốc đột ngột là một trong những nguyên nhân chính gây ra hội chứng suy tuyến thượng thận cấp. Tại Việt Nam, nguyên nhân này khá phổ biến và gặp nhiều ở người bệnh nữ lớn tuổi do bị viêm khớp đã tự mua và sử dụng thuốc chứa corticoid không đúng cách”, Ths.BS Quỳnh chia sẻ.
Mỗi khi đau, người dân lại tự đi tiêm các thuốc về xương khớp có thành phần corticoid. Việc tiêm này khiến cho cơn đau nhanh chóng chấm dứt, người bệnh ăn được, cơ thể béo tốt… càng khiến họ tin rằng thuốc hiệu quả nhưng về lâu dài để lại hậu quả đáng ngại về sức khỏe.
Một trường hợp lạm dụng corticoid khác là ở trẻ em. Trẻ thường hay gặp các vấn đề về tai, mũi, họng. Mỗi lần như vậy, phụ huynh thường ra hiệu thuốc mua thuốc mà không có sự thăm khám, kê đơn của các bác sĩ. Các thuốc này có thành phần corticoid giúp trẻ khắc phục triệu chứng bệnh nhanh (giảm ho, giảm đau…) nhưng để lại hậu quả nặng nề về sau.
Trường hợp thứ ba là việc các chị em thường sử dụng kem trộn làm đẹp, trong đó có chứa thành phần corticoid. Các bạn trẻ dùng các loại kem trộn này đem lại hiệu quả nhanh chóng ví dụ vết nám mờ, da trở nên trắng, mịn, hết mụn… nên được nhiều người ưa chuộng, tin dùng.
Nhưng sau một thời gian dùng lâu dài, các lớp da dần mỏng đi, đen sạm, thậm chí mặt nổi mụn, viêm nhiễm do tình trạng nhiễm độc corticoid ở da. Sau đó, bệnh nhân tốn hàng chục đến trăm triệu chạy chữa nhưng cũng không thể hồi phục da và còn có nguy cơ gây suy tuyến thượng thận.
Ths.Bs Phạm Như Quỳnh khẳng định, việc lạm dụng corticoid có thể gây ra suy thượng thận. “Uống quá nhiều thuốc corticoid sẽ ức chế các hoạt động của tuyến thượng thận và khi ngừng uống thuốc này, tuyến thượng thận mất khả năng phục hồi về trạng thái hoạt động bình thường”, Ths.BS Quỳnh nói.
Cũng theo Ths.BS Quỳnh, nhiều trẻ mắc viêm phế quản uống thuốc có thành phần corticoid quá lâu dài, năm này qua năm khác, cũng gây suy tuyến thượng thận. BS Quỳnh từng thăm khám cho trường hợp bé trai 9 tuổi bị suy tuyến thượng thận. Khai thác tiền sử cho thấy bạn nhỏ được cho dùng quá nhiều thuốc có thành phần conrticoid.
“Có trường hợp, nhờ phát hiện sớm, bệnh nhân dừng thuốc có thành phần corticoid và điều trị, can thiệp đã giúp tuyến thượng thận có thể hồi phục lại bình thường nhưng cũng có trường hợp mãn tính, tuyến thượng thận không thể hồi phục nữa. Trường hợp này, bệnh nhân phải uống hormone tuyến thượng thận cả đời”, bác sĩ thông tin.
Tuyến thượng thận nhỏ nằm ở vị trí trên đầu mỗi thận, tiết ra tất các hormone quan trọng như điều hòa tụt huyết áp, hormone điều hòa về chuyển hóa đường, hormone điều hòa chuyển hóa muối, chất khoáng… Những hormon này có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể, sự sống. Suy tuyến thượng thận là tình trạng tuyến thượng thận sản xuất quá ít cortison, dẫn đến rối loạn các quá trình chuyển hóa trong cơ thể, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh, thậm chí gây tử vong.
Suy tuyến thượng thận cũng gây rối loạn chuyển hóa đường gây ra bệnh tiểu đường. Hậu quả, bệnh nhân vừa phải đối mặt với suy tuyến thượng thận vừa mắc bệnh tiểu đường, tim mạch…
Dấu hiệu của người suy tuyến thượng thận do lạm dụng thuốc có thành phần corticoid, theo bác sĩ, đó là bệnh nhân tăng cân, mặt tròn đỏ, da hơi mỏng. Với nam giới, mọc ria mép, lông chân tay nhiều…
Tuy nhiên cũng theo Ths.BS Quỳnh dùng thuốc có thành phần corticoid trong thời gian dài, lạm dụng năm này qua năm khác mới có nguy cơ suy tuyến thượng thận. Không phải chỉ dùng một đợt vài ngày thuốc có thành phần này là có thể gây suy thượng thận ngay. Vì vậy muốn có đánh giá chính xác, bệnh nhân phải đến thăm khám tại các cơ sở y tế.
Theo đó, những trường hợp tiêm thuốc khớp, bôi kem trộn không rõ thành phần, dùng thuốc xịt viêm mũi dị ứng… có thành phần corticoid hoặc không rõ thành phần phải đi kiểm tra tuyến thượng thận để phát hiện sớm. “Việc phát hiện sớm, bệnh nhân sẽ dừng thuốc sớm và có can thiệp điều trị đỡ gây hại cho tuyến thượng thận”, bác sĩ khuyến cáo.
Từ đó, Ths.BS Quỳnh khuyên, người dân khi mua, uống thuốc phải có sự chỉ định, tư vấn của bác sĩ. Uống thuốc rõ nguồn gốc, thành phần.
Corticoid là loại thuốc được dùng điều trị rất nhiều bệnh. Trường hợp điều trị các bệnh phải dùng thuốc có thành phần corticoid bắt buộc phải có có sự vấn, chỉ định của bác sĩ. Những người bệnh buộc phải dùng nhóm thuốc này khi muốn ngừng thuốc và tránh tác dụng phụ nguy hiểm của thuốc cũng cần có sự tư vấn của bác sĩ.
“Sau khi dùng thuốc có thành phần corticoid phải đi kiểm tra lại tuyến thượng thận. Khi có dấu hiệu suy tuyến thượng thận, người dân đến cơ sở y tế để thăm khám để được can thiệp kịp thời”, bác sĩ nêu.
Ngọc Trang