Hôm qua, 20/12, Chủ tịch Daihatsu Soichiro Okudaira đã đến Tokyo để báo cáo trước một Hội đồng độc lập do Bộ Giao thông vận tải Nhật Bản chỉ định về vấn đề gian lân trong khâu kiểm tra an toàn. Trước mắt, nhà sản xuất ô tô hàng đầu đất nước mặt trời mọc sẽ tạm dừng các dây chuyền sản xuất cho đến khi giải quyết xong những thiếu sót về quy trình an toàn. Phía Toyota ngừng phân phối các mẫu xe do Daihatsu sản xuất.

Sai phạm kéo dài

Daihatsu là công ty con thuộc sở hữu của Toyota Motor, cũng là nhà sản xuất hàng đầu Nhật Bản về các mẫu minicar. Vụ việc thực sự gây rúng động dư luận Nhật, bởi rất hiếm khi một nhà sản xuất ô tô có vị thế ở xứ phù tang phải ngừng sản xuất, nhất là khi Daihatsu nắm giữ vai trò quan trọng trong việc mở rộng thị phần châu Á của Toyota.

Bê bối bắt đầu được đưa ra ánh sáng từ tháng 4/2023, Daihatsu phát đi thông báo thừa nhận về những sai sót ở khâu thử nghiệm an toàn các bài kiểm tra va chạm bên hông đối với 4 mẫu xe xuất khẩu, đồng thời, thành lập một hội đồng độc lập để xem xét vấn đề. Tại thời điểm này, có 88.000 xe liên quan đến vấn đề gian lận thử nghiệm an toàn của Daihatsu đã bán ra toàn cầu, chủ yếu dưới thương hiệu Toyota.

Một cuộc điều tra độc lập được tiến hành kể từ tháng 5 sau khi Daihatsu thông báo tìm thấy sai sót trong các cuộc kiểm tra độ an toàn của 6 mẫu xe. Kết quả điều tra của hội đồng phát hiện thêm 174 sai phạm khác, gồm sai sót trong kết quả kiểm tra và thử nghiệm phương tiện.

Đến nay, sự việc dẫn đến 64 mẫu xe và 3 động cơ bị ảnh hưởng, gồm cả những mẫu xe vẫn đang được phát triển hoặc đã ngừng sản xuất, trong đó có 22 mẫu xe và 1 động cơ mang thương hiệu Toyota.

Các mẫu xe bị ảnh hưởng trong bê bối gian lận đang được phân phối cho thị trường Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Campuchia và Việt Nam, cùng các nước Trung và Nam Mỹ như Mexico, Ecuador, Peru, Chile, Bolivia và Uruguay. Trong đó, có những cái tên khá quen thuộc với người Việt như Wigo, Raize, Veloz Cross, Avanza, và Yaris Cross. Hiện mới có thông tin mẫu Toyota Avanza bán tại Việt Nam bị ảnh hưởng, nhưng không rõ liên quan tới gian lận nào.

Được biết, Daihatsu đã xuất đi hơn 1,7 triệu ô tô ra toàn thế giới chỉ riêng năm 2022, khoảng một nửa số xe được sản xuất trong nước, chủ yếu tại các nhà máy ở Osaka và Shiga. Trong 10 tháng đầu năm nay, Daihatsu đã sản xuất 1,1 triệu xe, gần 40% trong số đó là sản xuất ở nước ngoài, đồng thời, đã bán khoảng 660.000 xe trên toàn thế giới, chiếm 7% tổng doanh số của Toyota. Hiện Daihatsu đang chiếm giữ khoảng 30% thị phần Kei car (một loại ô tô siêu nhỏ được coi là “linh hồn" nước Nhật), đứng trên đối thủ Suzuki Motor.

picturee1.jpg
Sản lượng sản xuất qua các năm của Daihatsu, đơn vị triệu xe. (Xanh đậm: sản xuất ở nước ngoài, Xanh nhạt: Sản xuất ở Nhật)

Đáng chú ý, điều tra mới cho thấy, Daihatsu cũng báo cáo sai về kết quả các bài kiểm tra tác động của tựa đầu và tốc độ thử nghiệm đối với một số mẫu xe. Hành vi sai trái này lần đầu tiên được phát hiện năm 1989 và đặc biệt phổ biến kể từ năm 2014. 

Các lãnh đạo Toyota và Daihatsu cúi đầu xin lỗi

Cũng trong ngày 20/12, các lãnh đạo của Toyota Motor và Daihatsu Motor đã phải cúi đầu xin lỗi trong buổi họp báo về vụ việc này.

Chủ tịch Daihatsu Soichiro Okudaira thừa nhận “đã không nhận ra những áp lực mà mỗi nhân viên phải đối mặt khi phải chạy theo tiến độ cho ra sản phẩm mới trong thời gian nhanh nhất" và “đã vô tình tạo ra một nền văn hóa doanh nghiệp không thể tuân thủ các quy định pháp luật”. "Tập thể lãnh đạo Daihatsu xin chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc này"- ông nói tại cuộc họp báo.

Phó Chủ tịch điều hành Toyota, Hiroki Nakajima, cũng khẳng định, công ty "rất coi trọng vấn đề này" vì chiến lược dài hạn của Toyota dựa vào Daihatsu để phát triển và sản xuất những mẫu ô tô nhỏ theo nhu cầu thị hiếu của châu Á nói riêng và thế giới nói chung. "Điều đáng tiếc lớn nhất là chúng tôi đã không nắm bắt được tình hình tại các bộ phận phụ trách kiểm nghiệm xe của Daihatsu. Chính sách của chúng tôi là luôn dừng lại, kiểm tra lại hiện trường sản xuất và sản phẩm thực tế khi có vấn đề, nhưng điều này đã không thể diễn ra", ông nói. 

picture1.jpg
Các giám đốc điều hành của Toyota và Daihatsu cúi đầu xin lỗi sau khi phát hiện ra những sai phạm trong hoạt động kinh doanh của Daihatsu (Ảnh: Suzu Takahashi)

Vì bê bối này, Daihatsu sẽ ngừng giao tất cả xe ô tô sản xuất trong và ngoài nước. Bên cạnh 22 mẫu xe được bán dưới thương hiệu Toyota, có một số mẫu xe mang thương hiệu Mazda. Công ty cũng cho biết sẽ sớm tạm dừng một số dây chuyền sản xuất nhưng không đưa ra thông tin chi tiết.

Phó Chủ tịch điều hành Daihatsu Hiromasa Hoshika cho rằng việc đình chỉ sản xuất chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh ở nước ngoài của Daihatsu. Hiện, hoạt động ở nước ngoài của Daihatsu tập trung vào Malaysia và Indonesia thông qua quan hệ đối tác với Malaysia Perodua và Astra International của Indonesia.

Theo các nhà phân tích, tác động tài chính của những bê bối này vẫn chưa rõ ràng nhưng chắc chắn danh tiếng của Toyota và các công ty liên quan sẽ bị ảnh hưởng. Dự kiến hôm nay, 21/12, Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông và du lịch  Nhật Bản sẽ có cuộc kiểm tra trực tiếp tại trụ sở công ty Daihatsu.

Toyota từng vướng phải những bê bối về kiểm soát chất lượng hồi năm 2022 khi sản phẩm ô tô tải Hino của hãng bị phát hiện sai lệch dữ liệu khí thải. Đơn vị này sau đó bị lỗ nặng và hiện đang hy vọng có thể vực dậy bằng cách sáp nhập với Mitsubishi Fuso Truck & Bus dưới danh nghĩa một công ty cổ phần mới thuộc sở hữu của Toyota, Daimler Truck của Đức.

 Đào Hùng (Theo Nikkei/Reuster)

Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!