Theo điều tra gần đây của Teikoku Databank, hãng Kobayashi đã cung cấp nguyên liệu gạo men đỏ dưới hình thức bán trực tiếp hoặc chế biến rồi bán. Điều này có thể ảnh hưởng tới 33.000 doanh nghiệp ở Nhật Bản.
Trong số đó, các nhà bán lẻ thực phẩm và đồ uống chiếm tỷ trọng lớn nhất (gần 5.600). Ngoài ra, hơn 5.000 nhà bán lẻ khác, khoảng 3.800 doanh nghiệp y tế và hơn 3.100 nhà hàng… cũng bị ảnh hưởng.
Kobayashi đã thu hồi một số loại thực phẩm chức năng chứa gạo men đỏ sau khi 5 người tử vong và hơn 100 người nhập viện sau khi sử dụng sản phẩm của hãng này. Trong đó có Beni-koji choleste-help được quảng cáo có tác dụng giảm cholesterol.
Theo CGTN, vụ việc đã làm dấy lên mối lo ngại của người dân Nhật Bản về việc phân loại thực phẩm chức năng của nước này, đặc biệt là hệ thống ghi nhãn được đưa ra năm 2015.
Nhật Bản từng phân loại thực phẩm chức năng cho sức khỏe thành hai nhóm chính: “Thực phẩm dành cho mục đích sức khỏe cụ thể” và “Thực phẩm chức năng dinh dưỡng”.
Năm 2015, Cơ quan Các vấn đề Người tiêu dùng của Nhật Bản đã phát động sáng kiến ghi nhãn "Thực phẩm có công bố chức năng". Hệ thống mới cho phép các công ty như Kobayashi ghi các lợi ích sức khỏe, chức năng của sản phẩm không cần có sự chấp thuận của cơ quan chức năng.
Hãng dược chỉ cần nộp hồ sơ đăng ký, cho phép họ tự kiểm chứng độ an toàn. Điều này thiếu tính khách quan và tiềm ẩn nhiều rủi ro. “Nếu thành phần không rõ ràng, không được điều tra và phân tích kỹ lưỡng, các vấn đề tương tự có thể phát sinh”, một người dân Tokyo bày tỏ lo lắng với CMG.
Một người dân Tokyo khác chỉ trích cách thức hoạt động của Kobayashi: "Hệ thống quản lý của họ rất phức tạp. Họ có thể đã không điều tra các báo cáo ban đầu một cách nghiêm túc, dẫn đến việc công bố thông tin bị trì hoãn".
Kobayashi nhận được báo cáo từ bác sĩ rằng một bệnh nhân phải nhập viện với các triệu chứng rất có thể liên quan đến thực phẩm chức năng chứa gạo men đỏ vào giữa tháng 1. Nhưng tới tháng 2, họ vẫn chưa có hành động cụ thể với lý do không có đủ thông tin để đưa ra lệnh thu hồi.
Theo Japan Times, mối nguy hiểm về sức khỏe liên quan đến loại thực phẩm chức năng trên chỉ lộ ra vào ngày 22/3 khi hãng dược tự nguyện thu hồi sản phẩm do có nhiều người tiêu dùng gặp vấn đề nghiêm trọng ở thận.
Một số người lên tiếng lo ngại rằng các tập đoàn lớn của Nhật Bản chú trọng đến lợi ích kinh tế mà bỏ qua sự an toàn. "Là một công ty dược phẩm hàng đầu tại Nhật Bản, Kobayashi đã lợi dụng mối quan tâm của người dân với lối sống lành mạnh để tiếp thị sản phẩm của họ là ‘có lợi cho sức khỏe' nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Điều này đã dẫn đến những sơ suất gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng. Hơn nữa, hệ thống phê duyệt quốc gia cũng có những thiếu sót trong việc ưu tiên lợi nhuận doanh nghiệp hơn là giám sát nghiêm ngặt”, một người dân Tokyo khác cho biết.