Trước đó, bé gái tới từ Baotou, Mông Cổ tìm thấy một tờ tiền 20 tệ với lời cầu cứu khẩn thiết được viết trên đó.
Cô bé đã nói với người thân và người này đã gọi cho cảnh sát hôm 16/5.
Báo chí địa phương đưa tin, người viết lời cầu cứu lên tờ tiền là một người đàn ông bị băng nhóm tội phạm 10 người theo mô hình kim tự tháp giam giữ. Ghi chú cho biết có 11 người bị giam giữ trên tầng 3 của một toà nhà trong thành phố. Họ bị bắt cóc và buộc phải làm việc cho nhóm tội phạm có vũ trang này.
“Sau khi xác định vị trí của toà nhà, chúng tôi đã đến đó với một thợ khoá để mở cánh cửa và xác định vị trí của 11 người bị giam giữ”.
11 nạn nhân này đến Baotou để làm việc sau khi được hứa hẹn những công việc nghe có vẻ hấp dẫn. Khi đến nơi, họ bị giam giữ trong toà nhà và buộc phải nói dối để lừa người thân và bạn bè tham gia vào hoạt động của tổ chức.
Một số nạn nhân đã bị giam cầm tới hơn 6 tháng.
Người đàn ông viết lên tờ tiền phải đợi đến khi lính canh không chú ý mới hành động, rồi ném nó ra ngoài từ phía cửa sổ.
Cảnh sát cho biết, tất cả nạn nhân hiện đã trở về nhà an toàn. Trước khi rời đi, người đàn ông gửi lời kêu cứu ra ngoài đã bật khóc bày tỏ lòng biết ơn với những người giải cứu.
Nhóm tội phạm đang được cảnh sát điều tra. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu có ai trong số những người liên quan đến âm mưu này có bị cảnh sát buộc tội hay không.
Bé gái - người phát hiện ra tội ác - đang được ca ngợi như một người hùng trên mạng xã hội Trung Quốc. Một người dùng Weibo nói: “Thật là một đứa trẻ thông minh. Cô bé và gia đình đã không hề do dự khi giúp đỡ những người này”.
“Anh hùng nhí xứng đáng có được điểm thưởng trong kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia trong tương lai” - một người khác bình luận.
“Xin hãy bảo vệ danh tính đứa trẻ và gia đình cô bé, nếu không bọn tội phạm sẽ tìm đến trả thù” - một ý kiến cho hay.
Các nhóm tội phạm theo mô hình kim tự tháp khá phổ biến ở Trung Quốc. Chúng thường buộc các nạn nhân làm việc trong những điều kiện như nô lệ.
Năm 2019, cảnh sát tỉnh An Huy từng bắt giữ một mạng lưới gồm 3 triệu kẻ lừa đảo tự xưng đang bán một loại đồ uống “được Nasa chứng nhận”. Chúng tuyên bố loại nước này là “năng lượng sống” được lấy từ các đại dương cổ đại, nhưng thực tế đây chỉ là loại nước ngầm bình thường.
Đăng Dương (Theo SCMP)