Ngày 30/4, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, chỉ trong một tháng qua, nơi này tiếp nhận 4 trẻ bị ngạt nước.
Trong đó, bé gái T.N.T.A 21 tháng tuổi (quận 6, TP.HCM) là trường hợp nhỏ tuổi nhất. Trước khi nhập viện 1 giờ, trẻ được phát hiện ngã chúi đầu vào xô nước. Chiếc xô cao 50cm, chứa đầy nước. Thời gian bé A. chìm khoảng 5 phút. Bé bất tỉnh, tím tái.
Người nhà ngay lập tức thổi ngạt, ấn tim trong 3 phút. Bé khóc và cử động tay chân nhẹ, được chuyển vào phòng khám địa phương, xử trí thở oxy rồi chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng TP.
Tại đây, trẻ hôn mê, thang đo hôn mê Glasgow 9 điểm (bình thường 15 điểm), môi tái, SpO2 85%. Các bác sĩ tiến hành đặt nội khí quản giúp thở, thở máy, kháng sinh, chống phù não, thuốc an thần, điều chỉnh điện giải, kiềm toan cho trẻ. Sau hơn một tuần điều trị, tri giác của bé gái cải thiện dần, tỉnh và tiếp xúc được.
Trường hợp thứ hai là bé trai N.D.Đ (4 tuổi, Tiền Giang). Cách nhập viện 3 giờ, em đi bơi. Trong khoảng 5-7 phút, người nhà không thấy bé nên vội chia nhau tìm, phát hiện trẻ chìm ở hồ trẻ lớn.
Bé được ấn tim thổi ngạt, chuyển vào viện trong tình trạng ngưng thở ngưng tim. Sau khi đặt nội khí quản, tiêm adrenalin, bé được chuyển tiếp lên TP.HCM.
Gần 2 tuần điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng TP, tri giác trẻ cải thiện dần, tiếp xúc chậm. Bệnh nhi phải tiếp tục điều trị oxy cao áp, tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng.
Tương tự, bé N.L.A. (8 tuổi, TP HCM) cũng gặp nạn ở hồ bơi trẻ lớn trong khoảng 3 phút. Trẻ hốt hoảng, tím tái, được sơ cứu thở oxy và chuyển Bệnh viện Nhi đồng TP.
Bên cạnh đó, một bé gái 6 tuổi ở Bạc Liêu cấp cứu do ngã trượt chân ở cầu treo, ngã xuống ao cá tra. Người nhà phát hiện và vớt lên trong 3-5 phút. Sau khi điều trị ở bệnh viện địa phương 3 ngày, em được chuyển lên TP.HCM trong tình trạng li bì, thở mệt. Khoảng 10 ngày sau, tri giác trẻ cải thiện dần, tiếp xúc tốt, cai máy thở dần và tự thở.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP, để phòng ngừa tai nạn ngạt nước cho trẻ, phụ huynh cần lưu ý:
- Không để trẻ nhỏ một mình ở nhà và đậy kín các vật chứa nước trong gia đình.
- Không cho trẻ chơi một mình gần ao, hồ, kênh, rạch, sông.
- Không cho bệnh nhân động kinh bơi. Nên hướng dẫn trẻ tập bơi.
- Khi đi hồ bơi, không cho trẻ nhỏ vào hồ của trẻ lớn, người lớn. Luôn để mắt trông chừng trẻ, tốt nhất là bơi chung với trẻ.