Ngày 29/5, lúc 6h20, tài xế N.V.L. và cô giáo P.Q.A. đón bé trai T.G.H. (SN 2019) lên xe đi cùng các bạn đến Trường Mầm non Hồng Nhung cơ sở 2 (xã Phú Xuân, TP Thái Bình).
Đến 17h cùng ngày, người thân của bé H. đến đón, không thấy trẻ nên báo cho nhà trường. Mọi người tổ chức tìm kiếm, phát hiện trẻ bị bỏ quên trên ô tô nhiều giờ. Dù được đưa tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình cấp cứu nhưng trẻ đã tử vong.
Hiện nay, việc quản lý hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng ô tô chưa có bất cứ quy định nào, trong khi dịch vụ này khá phổ biến nhất là ở thành phố lớn.
Nhằm quản lý chặt loại hình vận tải này, tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang được Quốc hội thảo luận, đã có hẳn 1 điều với 7 khoản quy định đối với ô tô chở học sinh, trẻ mầm non.
Cụ thể điều 46 của dự thảo Luật quy định ô tô kinh doanh vận tải chở học sinh, trẻ em mầm non phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
Bảo đảm các điều kiện quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 36 của luật này (xe có đăng ký và gắn biển số, đăng kiểm và phải gắn thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh của lái xe - PV).
Xe chở học sinh có niên hạn sử dụng không quá 20 năm; có màu sơn theo quy định của Chính phủ.
Xe chở học sinh tiểu học hoặc trẻ em mầm non phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định.
Đối với ô tô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón học sinh, trẻ em mầm non phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại khoản 2 Điều 36 (phải gắn thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh của lái xe với xe từ 8 chỗ trở lên, chưa tính người lái- PV).
Trường hợp chở học sinh tiểu học, trẻ em mầm non, xe phải có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định.
Khi đưa đón học sinh tiểu học, trẻ em mầm non phải bố trí tối thiểu 1 người quản lý trên mỗi ô tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho học sinh tiểu học, trẻ em mầm non trong suốt chuyến đi.
Trường hợp xe trên 30 chỗ và chở trên 29 học sinh tiểu học và trẻ em mầm non, phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý trên mỗi xe. Không được để học sinh tiểu học, trẻ em mầm non trên xe khi người lái xe và người quản lý đã rời xe.
Lái xe ô tô đưa đón học sinh, trẻ em mầm non phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách.
Cơ sở giáo dục, đào tạo phải xây dựng, tập huấn cho cho lái xe và người quản lý học sinh, trẻ em mầm non nắm vững và thực hiện đúng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón học sinh, trẻ em mầm non; chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi tổ chức đưa đón học sinh, trẻ em mầm non của đơn vị mình.
Xe đưa đón học sinh, trẻ em mầm non được ưu tiên trong tổ chức, phân luồng, điều tiết giao thông, bố trí nơi dừng, đỗ tại khu vực trường học và tại các điểm trên lộ trình đưa đón học sinh.
Ngoài ra, tháng 4 vừa qua, Bộ GTVT cũng lấy ý kiến góp ý về dự thảo “Tiêu chuẩn quốc gia phương tiện giao thông đường bộ - ô tô, phân loại theo mục đích sử dụng”, trong đó, đề xuất tiêu chuẩn kỹ thuật riêng đối với xe chở học sinh.
Tại dự thảo, Bộ GTVT nêu rõ: Ô tô chở học sinh là xe chở người chuyên dùng được thiết kế chỉ để đưa, đón học sinh. Xe phải được sơn màu vàng đậm và phải có dòng chữ "ô tô chở học sinh" mặt trước và mặt sau xe.
Ngoài ghế của học sinh và ghế của người lái, trên xe phải có tối thiểu 1 chỗ ngồi dành cho người quản lý học sinh (là người trưởng thành).
Tổng số người cho phép chở kể cả người lái không vượt quá 45 người. Trường hợp xe được thiết kế chỉ dành cho học sinh tiểu học, mẫu giáo thì số người cho phép chở kể cả người lái không vượt quá 56 người.
Xe chở học sinh phải được trang bị bộ sơ cứu phù hợp để sơ cấp cứu trẻ em; thiết bị cắt dây đai ở khu vực người lái đối với các xe có trang bị dây đai an toàn cho hành khách; đèn cảnh báo nguy hiểm tự động được bật khi mở cửa lên xuống; thiết bị cảnh báo nếu cửa lên xuống hoặc cửa thoát hiểm (nếu có) chưa đóng khi xe bắt đầu di chuyển.