Bốn giờ sau khi bị chó cắn, bé nhập viện Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Trước đó, bé đã được sơ cứu ở tuyến dưới. PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, cho biết lúc vào viện, bé bị đa chấn thương phần mềm phức tạp, nham nhở, dập nát da rất rộng từ vùng trán đến góc hàm.
"Trẻ bị chó cắn rách mi mắt, đứt tuyến lệ, dập nát xương gò má, gãy xương hàm", bác sĩ Hà nói. Ngoài ra, bé còn có vết thương ở cổ, nếu vết răng đi xuống khoảng 2cm nữa thì vào động mạch cảnh, nguy cơ tử vong ngay.
Trẻ được tiêm phòng dại, nhiễm trùng uốn ván. Các bác sĩ cắt lọc, làm sạch tổn thương, sử dụng kính hiển vi để tìm ống tuyến lệ chỉ nhỏ khoảng 0,5mm và khâu nối lại. Điều này giúp trẻ ngăn biến chứng chảy nước mắt liên tục sau này nếu không xử trí đứt ống tuyến lệ.
Một tuần sau khi được sửa chữa xương gò má và góc hàm, trẻ ăn nhai được. Các dấu hiệu nhiễm trùng cũng được khống chế, tổn thương về xương được cố định tương đối, tiếp tục theo dõi quá trình liền xương. Ngày 25/7, PGS Hà cho biết mi mắt của bé chưa mở ra được, phương án phẫu thuật treo mi mắt cho bé được đưa ra.
Hằng năm, nhiều trẻ em bị chó cắn phải nhập viện phẫu thuật cấp cứu. Thông thường, người lớn hay bị chó cắn vào vùng tay, chân còn trẻ em lại hay bị chó tấn công vào vùng đầu mặt do phụ huynh không để ý khi trẻ ở nhà. Vì vậy, phụ huynh có trẻ nhỏ nên hạn chế nuôi chó, nếu nuôi phải được tiêm phòng dại hàng năm, xích ở nơi xa trẻ em, rọ mõm, nhắc nhở trẻ tránh tiếp xúc đùa giỡn khi chó đang ăn, ngủ.
Các bác sĩ cho biết ngay khi bị chó, mèo hay súc vật cắn, cần rửa ngay vết thương dưới vòi nước sạch chảy liên tục trong 10-15 phút, sau đó làm sạch bằng các loại thuốc sát trùng như cồn, oxy già, và đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để được tư vấn tiêm phòng vắc xin và huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt.
Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa.
Tử vong sau 6 tháng bị chó nhà nuôi cào xước da tay
Bố dùng dao xong để dưới sàn khiến con bị đứt gân chân