ThS.BS Ngô Hải Sơn, Khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), cho biết khi được đưa đến viện tối 14/10, bệnh nhi bị tổn thương đứt gần rời hoàn toàn 1/2 bàn tay trái, phần đầu ngón tay lên máu kém. Vết thương cắt đứt toàn bộ hệ thống gân gấp, động mạch và thần kinh vùng bàn tay.
Bệnh nhi đã được chỉ định mổ cấp cứu ngay trong đêm để cứu bàn tay bị đứt rời. Các bác sĩ chấn thương chỉnh hình, tạo hình vi phẫu đã phối hợp với bác sĩ Trung tâm Gây mê hồi sức ngoại khoa tiến hành phẫu thuật kết hợp gân xương, nối lại mạch máu thần kinh bằng kỹ thuật vi phẫu để khôi phục lại bàn tay cho cháu bé sau 5 giờ phẫu thuật.
Sau phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhi ổn định, bàn tay có dấu hiệu hồi phục tốt, được tập phục hồi chức năng. Sáng 27/10, bác sĩ Sơn cho biết bé vừa được ra viện.
Bệnh viện Việt Đức thường xuyên tiếp nhận các ca có thương tổn vùng bàn tay do tai nạn lao động, sinh hoạt, trong đó có các tổn thương rất nặng và phức tạp. Các tổn thương này cần được phẫu thuật sớm, theo dõi và tập phục hồi chức năng thì mới có hy vọng khôi phục được chức năng bàn tay.
Các bác sĩ cho biết thời gian chịu đựng sự thiếu máu nuôi của mỗi loại mô là khác nhau, ngắn nhất là bắp thịt (chỉ trong 2 giờ ở nhiệt độ trên 20 độ C). Trong môi trường lạnh (dưới 10 độ C), thời gian chịu đựng sẽ tăng lên tới 4-6 giờ. Do đó, bảo quản chi đứt lìa ở môi trường lạnh là phương pháp đơn giản nhất để duy trì sự sống cho tổ chức mô.
Thời gian lý tưởng để nối chi thể bị đứt rời là 6 giờ tính từ lúc bị đứt đến lúc các bác sĩ khôi phục được tuần hoàn cho phần chi thể đứt rời.
Nếu gặp trường hợp đứt lìa tay chi thể, bệnh nhân cần phải làm sạch vết thương bằng nước muối sinh lý nếu có, quấn băng hoặc vải sạch quanh phần đứt lìa rồi cho vào túi nhựa mỏng, buộc miệng túi lại và bảo quản trong môi trường lạnh phần chi đứt lìa.
Nếu bộ phận cơ thể chưa đứt lìa hoàn toàn mà vẫn còn dính lại trên da, không nên cắt rời, kể cả trường hợp gần như đứt hoàn toàn. Thay vào đó, nên dùng dùng gạc băng lại, đặt túi đá bên cạnh để giữ nhiệt, tránh đặt đá trực tiếp lên vết thương.
Sau đó, cần chuyển gấp bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất, càng sớm càng tốt. Nếu phần chi được bảo quản đúng và tiến hành phẫu thuật sớm thì tỉ lệ thành công sau mổ sẽ cao hơn.