Truyện dài Bể trăng côi được viết bằng lối kể chuyện song tuyến. Đó là hành trình một nhà sư trẻ rời chùa, tìm đến núi Sa Mạo theo nguyện vọng của sư phụ nhưng bị kẹt giữa thành phố trong giai đoạn đỉnh dịch, phải sống nương nhờ một gia đình gồm 3 thế hệ.
Song song là tuyến truyện về chuyến đi thỉnh kinh gian khổ của sư Trần Huyền Trang thời nhà Đường xưa.
Những kiếp nạn họ gặp phải khác nhau về thời nhưng tương đồng về bản chất, chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa về những ám ảnh nhân sinh.
Về tựa truyện Bể trăng côi, tác giả cho hay đây không phải tựa ban đầu anh đặt. Sau khi trao đổi với biên tập viên và vài người quen, Huỳnh Trọng Khang thấy mọi người đều hướng về hình ảnh vầng trăng như chủ đạo của tác phẩm.
Vì vậy, bên cạnh "trăng côi" (vầng trăng đơn lẻ), anh đề nghị thêm từ "bể" với nghĩa bể đời, bể khổ. "Trong bể ấy, mỗi chúng ta chỉ là trăng đơn lẻ. Là hình hay bóng, tròn hay khuyết, âm thầm sáng hay sáng rỡ… phụ thuộc vào mỗi người", anh nói.
Tác phẩm gây ấn tượng từ tên chương (Tòng địa dõng xuất, Tuyết băng vô tận xứ, Mặc áo, trên mái địa ngục…) đến các từ khóa nổi bật như: Phật, Huyền Trang, dịch bệnh, sự hóa thân…
Huỳnh Trọng Khang nói anh viết một cách tự nhiên. Viết được một đoạn, nhân vật sư Huyền Trang mới xuất hiện trong suy nghĩ của nhà văn, trở thành một tuyến quan trọng trong tác phẩm.
Bể trăng côi với các nhân vật xưa - nay, đẹp - xấu đang trầm luân giữa các biến cố của đời sống, nhất là trong đại dịch. Người chọn hướng nội, người chọn hướng ngoại nhưng đều loay hoay với cuộc sống và những vấn đề của mình.
Trong truyện, vị sư trẻ và nhà sư Huyền Trang như những vầng trăng đơn độc, lang thang giữa trời đất. Tác phẩm chỉ rõ: dịch bệnh, thiên tai tàn khốc mấy cũng sẽ qua đi, nhưng chỉ khi vượt qua chính mình, con người nhỏ bé mới tồn tại, hiện hữu trên mặt đất như vầng trăng giữa bể khổ cuộc đời.
Truyện có những chi tiết đau thương, khốc liệt nhưng tựu trung gợi lên người đọc cảm giác nhẹ nhàng, từ bi bởi chất thiền hiện hữu.
“Sư phụ từng giảng rằng chỉ cần trái tim đủ từ bi, dũng cảm làm nứt toạc con tim chai lỳ như đất đá thì tức thời có thể đánh động giải phóng vô lượng vị Bồ Tát trong mình”, trích Bể trăng côi.
Huỳnh Trọng Khang nói đại dịch Covid-19 là nguồn cơn để Bể trăng côi - một tác phẩm "định không bao giờ viết ra" - ra đời. Nhưng truyện không hướng đến một trận dịch nào cụ thể nào.