Có thể nói, sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, Bến Tre đã từng bước "đón sóng" phục hồi kinh tế, trong đó hoạt động du lịch như được thổi một luồng sinh khí mới, cơ bản phục hồi và có nhiều khởi sắc.
6 tháng đầu năm 2022, tổng lượt khách du lịch đến Bến Tre gần 457.000 lượt, đạt 36,19% kế hoạch (tăng 97,05% so với cùng kỳ), trong đó, khách quốc tế 13.757 lượt. Doanh thu ước 515 tỷ đồng, đạt 36,27% kế hoạch, tăng 117,92% so cùng kỳ.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Bàn thông tin, ngay khi tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, tỉnh đã chủ động tổ chức nhiều chương trình, sự kiện khởi động lại hoạt động du lịch an toàn, hiệu quả; đồng hành với các đơn vị kinh doanh du lịch trong nhiều hoạt động.
Đồng thời, Bến Tre tiếp tục phát huy hiệu quả các chương trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch với các tỉnh trong Cụm liên kết phía Đông đồng bằng sông Cửu Long, TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long.
Nhờ vậy, lượng khách và doanh thu đều tăng mạnh so cùng kỳ năm ngoái, công suất phòng của các cơ sở lưu trú đạt trên 60%. Nhiều sản phẩm, chương trình du lịch mang đậm nét xứ dừa Bến Tre đã đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của du khách.
Công tác triển khai các hoạt động thông tin, truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch thời gian qua cũng được tỉnh bến Tre thực hiện thường xuyên. Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương được thực hiện khá nhịp nhàng.
Việc liên kết với các tỉnh trong cụm, trong khu vực, nhất là việc hợp tác với TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long trong công tác thông tin, truyền thông, quảng bá, xúc tiến đã mang lại hiệu quả thiết thực. Từ đó, tạo động lực giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và đẩy mạnh việc liên kết chuỗi để tạo ra nhiều sản phẩm du lịch liên tuyến, liên tỉnh.
Kinh tế du lịch là ngành mũi nhọn
Tại buổi thăm và làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới đây, bà Nguyễn Thị Bé Mười, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre đánh giá cao kết quả mà ngành du lịch tỉnh đã đạt được trong thời gian qua. Bà cho hay, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh thời gian tới cần đẩy mạnh hơn nữa, cần làm mới và bảo đảm được chiều sâu.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, muốn phát triển du lịch thì phải bảo đảm được cơ sở vật chất, hạ tầng và chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng xứ dừa. Thông qua đó, quan tâm yếu tố con người làm du lịch, kết nối tour tuyến du lịch, nghiên cứu lại thị hiếu du khách,...
Ông Lê Đức Thọ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy thì cho rằng, ngành du lịch tỉnh cần nắm vững các nội dung đặt ra trong nghị quyết, chủ trương của tỉnh và Trung ương về văn hóa, thể thao, du lịch để chủ động triển khai theo đúng chức năng, nhiệm vụ và trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, trong tham mưu đề xuất thực hiện.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ nhấn mạnh, kinh tế du lịch được xác định là một trong các ngành mũi nhọn của tỉnh, là động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển. Chính vì vậy, ngành cần xác định rõ tiềm năng, lợi thế du lịch, các sản phẩm du lịch thế mạnh của tỉnh để làm công tác quảng bá, xúc tiến du lịch thật sự bài bản, có định hướng, tăng cường liên kết hợp tác với các địa phương.
Bên cạnh đó, ngành văn hóa, thể thao, du lịch cần tiếp tục tham mưu, đề xuất hệ thống lại các giá trị văn hóa của tỉnh để bảo tồn, phát huy, nâng cấp, tôn tạo các địa chỉ đỏ, góp phần thu hút phát triển du lịch. Cần gắn phát triển kinh tế du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng nếp sống văn hóa. Tiếp tục phát triển văn hóa, thể thao, du lịch trong mối quan hệ gắn bó lẫn nhau. Gắn kết các cơ sở du lịch để trở thành cánh tay nối dài trong quảng bá, xúc tiến du lịch.
Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, một số vấn đề khác cần quan tâm như: Thu hút đầu tư du lịch, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, khai thác lợi thế du lịch sông nước, du lịch trên các cồn, đưa vào quy hoạch để thu hút đầu tư. Quan tâm củng cố, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nhân sự cho Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch hoạt động.
Đồng thời tiếp tục ứng dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế du lịch. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực làm du lịch chuyên nghiệp, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển du lịch. Đảm bảo an ninh, an toàn trong phát triển văn hóa, thể thao và du lịch. Tăng cường xã hội hóa huy động các nguồn lực đầu tư du lịch, cơ sở, điểm du lịch tại địa phương. Ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch.
Nhật Hạ