"Bức tường xanh" góp phần hạn chế thiệt hại do biến đổi khí hậu

Với điều kiện địa lý nên Bến Tre sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi những tác động của biến đổi khí hậu gây ra như triều cường, nước biển dâng, xâm nhập mặn… làm ảnh hưởng và gây thiệt hại cho sản xuất và đời sống của cộng đồng.

Theo dự báo của các chuyên gia nghiên cứu về biến đổi khí hậu, nếu mực nước biển dâng 0,75-1m thì khoảng 60-70% diện tích tự nhiên của tỉnh bị ngập, một số  khu vực ven biển đang bị xói lở mạnh, lấn sâu vào đất liền từ 20-30m/năm.

Sự xâm nhập mặn và hạn, độ mặn 4%0 đã xâm nhập sâu vào đất liền trên 60km tính từ các cửa sông trong những năm gần đây, hạn hán và xâm nhập mặn làm thiếu nước ngọt sinh hoạt và ảnh hưởng sản xuất, tính từ năm 1995-2008 đã làm thiệt hại hơn 670 tỷ đồng. Bão, áp thấp nhiệt đới tuy không thường xuyên gây ảnh hưởng trực tiếp nhưng các năm gần đây tình hình thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, thường xảy ra vào những tháng cuối năm gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho nhân dân như cơn bão số 5 (tháng 11-1997) và cơn bão số 9 (tháng 12-2006), ước thiệt hại hàng tỷ đồng…

Một góc rừng phòng hộ tại huyện Ba Tri.

Thật may mắn, Bến Tre có diện tích rừng ngập mặn là 3.900 ha, trong đó rừng tự nhiên 1.000 ha, rừng trồng 2.900 ha gồm các loại cây chủ yếu như đước, đưng, bần, mắm, phi lao… được phân bổ ở 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Tuy diện tích không nhiều nhưng lại có vai trò rất quan trọng trong việc phòng hộ bảo vệ môi trường.

Với vai trò là "bức tường xanh", rừng sẽ làm hạn chế thiệt hại trong sản xuất và đời sống người dân do thiên tai, bão lũ gây ra, phòng chống xói lở bờ biển, cố định đất bãi bồi, mở rộng sản xuất, nhất là vùng ven biển của tỉnh, hạn chế tình hình xâm nhập mặn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường nước, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản ổn định và bền vững thông qua việc chặn gió biển, cải tạo làm sạch môi trường, cung cấp thức ăn và là nơi cư trú cho các loài thủy hải sản. Ngoài ra, rừng còn đảm nhiệm nhiệm vụ như là "lá phổi xanh" hấp thụ khí CO2, tác nhân gây hiệu ứng nhà kính làm cho trái đất nóng lên.

Dự án rừng phòng hộ ven biển 

Nhằm phát huy giá trị phòng hộ của trừng ngập mặn với biển đổi khí hậu, tỉnh Bến Tre đã tiến hành xây dựng hai dự án trên ba huyện vùng rừng ngập mặn ven biển ở tỉnh Bến Tre. Đó là Dự án rừng phòng hộ ven biển với diện tích 5.351 ha ở huyện Ba Tri, Bình Đại và xây dựng Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước ở Thạnh Phú với diện tích 2.584 ha.

Ngoài ra, đai rừng ngập mặn của tỉnh cũng phát huy hiệu quả chức năng phòng chống xói lở bờ biển, cố định đất ở các bãi bồi, góp phần đẩy nhanh tốc độ bồi tụ, mở rộng đất sản xuất, đặc biệt là bảo vệ sản xuất nông nghiệp, thủy sản và bền vững ở khu vực vùng ven biển của tỉnh.

Một góc rừng ngặp mặn huyện Thạnh Phú

Trên tinh thần đó, thời gian vừa qua, tỉnh Bến Tre đã đưa vào quy hoạch 8.840ha đất rừng ngập mặn, trong đó, đất có rừng khoảng 4.368ha, tập trung tại các xã ven biển của 03 huyện: Thạnh Phú, Ba Tri và Bình Đại chủ yếu với loài cây là bần, mắm (đa phần là rừng trồng) có giá trị kinh tế thấp nhưng có vai trò rất quan trọng trong việc chắn gió, chắn sóng, góp phần tạo cảnh quan, bảo vệ bờ biển, bảo vệ môi trường, nhất là bảo vệ an toàn đời sống dân cư phía bên trong rừng.

Tuy diện tích rừng trên địa bàn tỉnh hàng năm có tăng nhưng không nhiều. Rừng trồng, rừng tự nhiên có năng suất và chất lượng thấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nguyên nhân do quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng chưa sát thực tế. Diện tích đất quy hoạch trồng, phát triển rừng của tỉnh chủ yếu là các bãi bồi ven biển. Do tác động của sóng biển, dòng chảy làm hạn chế sự bồi tụ của đất hoặc gây xói lở nên không thể trồng rừng được. Mặt khác, xói lở còn gây thiệt hại, giảm diện tích rừng hiện có của tỉnh. Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, trong vòng 10 năm (2011 - 2020), xâm thực bờ biển tại tỉnh làm thiệt hại 260ha rừng ngập mặn.

Nhằm để khuyến khích người dân tham gia trồng, quản lý, bảo vệ rừng gắn với phát triển sản xuất, tỉnh Bến Tre đã thực hiện giao khoán cho 520 tổ chức, cá nhân và hộ gia đình quản lý, bảo vệ rừng theo Nghị định số 168/2016/NĐ-CP của Chính phủ, với tổng diện tích là 3.364ha. Theo chính sách này, người dân địa phương sẽ được trả chi phí bảo vệ rừng và được hưởng toàn bộ thành quả nuôi trồng thủy sản kết hợp dưới tán rừng trên diện tích được giao khoán và sản phẩm tỉa thưa, khai thác khi rừng đến tuổi.

Văn Công, Kiều Oanh, Bảo Phùng