Ngày 13/4, tuyến đường sắt Bắc Nam đoạn qua tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên chưa thể thông sau hơn một ngày bị sạt lở. Khoảng 200 công nhân được huy động khắc phục sự cố sạt lở, đất đá đổ tràn xuống đường ray xe lửa.
Hầm Bãi Gió thuộc địa phận xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, dài chừng 900 m, được đưa vào hoạt động năm 1936. Chiều 12/4, bên trong hầm thuộc dự án cải tạo hầm yếu đang được thi công sửa chữa thì bị sạt lở, khiến khoảng 180 m3 đất đá tràn xuống đường ray. Vị trí sạt lở kéo dài chừng 20 m, cách cửa hầm khoảng 85 m với khoảng 180 m3.
Ngành đường sắt huy động nhiều lực lượng khắc phục, dọn dẹp đất đá bên trong hầm, dự kiến hoàn thành trong ngày. Sau nhiều nỗ lực, công việc gần hoàn thành thì trong hầm xuất hiện thêm sạt lở, khiến đất đá và cát trần hầm tiếp tục sạt xuống.
Nhiều nhân công được huy động múc đất đá ra khỏi hầm, xử lý sự cố. Tuy nhiên, vị trí xảy ra sạt địa chất phức tạp, có mạch nước ngầm khiến việc khắc phục gặp khó khăn.
Ngành đường sắt nghiên cứu đưa ra nhiều giải pháp vừa xử lý sạt lở, song phải đảm bảo an toàn cho người lao động. Những thanh thép lớn được vận chuyển tới hiện trường, cấp tập gia cố hầm. Còn công nhân tiếp tục dọn dẹp đất đá và phun bê tông gia cố tạm vỏ hầm.
Sự cố khiến tuyến đường sắt qua Khánh Hòa và Phú Yên bị gián đoạn hơn một ngày. Ngành đường sắt vẫn chưa xác định được thời gian hoàn thành xử lý sạt lở để thông tuyến.
Còn phía quốc lộ 1 qua Đèo Cả, bên trên hầm nơi sạt lở qua huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), lực lượng chức năng hạn chế xe có tải trọng lớn qua lại và phải buộc quay đầu, tránh gây áp lực xuống hầm.
Theo ông Trần Minh Duy (Trưởng Phòng chăm sóc khách hàng, Chi nhánh vận tải đường sắt Nha Trang), từ trưa 12/4 đến chiều nay, ngành đường sắt đã hỗ trợ trung chuyển cho khoảng 3.700 hành khách từ ga Tuy Hòa (Phú Yên) đến ga Giã (Khánh Hòa) và ngược lại.
Một số tàu cũng phục vụ các suất cơm, nước uống miễn phí cho hành khách. Cán bộ ngành đường sắt hỗ trợ vận chuyển hành lý cho hành khách.