Xu hướng đảo ngược
Làm việc trong các cơ quan công quyền có một lịch sử lâu đời và phong phú ở Trung Quốc hiện đại. Việc làm trong khu vực công của Trung Quốc được coi là bệ phóng danh giá cho sự nghiệp.
Giai đoạn trước khi Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa (1978), công việc trong các bộ, ban, ngành chính phủ rất được coi trọng. Thế hệ trước gọi đó là “bát cơm sắt” vì tính ổn định.
Sau khi nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu mở cửa và hội nhập, nhiều người trẻ tuổi nước này đã chọn theo đuổi sự giàu có và tìm thấy cơ hội sẵn có trong các khu vực tư nhân đang nở rộ và thịnh phát.
Tuy nhiên, xu hướng này lại bị đảo ngược trong một thập kỷ gần đây và công việc thuộc khu vực tư nhân trở nên kém hấp dẫn và khó tìm hơn.
Thời điểm bây giờ được nhận định là khó khăn cho người trẻ để bắt đầu sự nghiệp ở Trung Quốc. “Họ biết rằng những cơ hội do sự tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc tạo ra không còn thuộc về thế hệ này nữa,” Alfred Wu, giáo sư tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore), cho biết.
“Nghìn quân qua cầu một nhịp”
Tháng 1/2023, tại Bắc Kinh và các thành phố trên khắp Trung Quốc, khoảng 2,6 triệu người, bao gồm cả sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học hàng đầu cả nước, đã ứng tuyển và tham gia kỳ thi công chức với tỷ lệ cạnh tranh cực gắt gao cho 37.100 công việc tại các cơ quan chính phủ, theo The New York Times.
Kỳ thi diễn ra ở cấp độ quốc gia và cũng khốc liệt không khác gì cuộc đua vào các trường đại học công lập (Cao Khảo) ở đất nước tỷ dân. Kỳ thi ban đầu được dự tính tổ chức vào đầu tháng 12/2022 nhưng bị hủy bỏ vào phút chót do chính sách phong tỏa vì Covid-19. Một số người sẵn sàng chi hàng nghìn USD cho các lớp luyện thi và thức thâu đêm suốt sáng để dùi mài kinh sử.
Trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp đang cao chưa từng thấy, hàng triệu sinh viên mới tốt nghiệp đặc biệt khó tìm được việc làm tại các công ty tư nhân. Cứ 5 người trong độ tuổi từ 16-24 ở Trung Quốc, có 1 người thất nghiệp. Alibaba, Tencent và các công ty công nghệ khác đã sa thải nhân viên hàng loạt. Tăng trưởng kinh tế đã bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm mạnh của bất động sản và các doanh nghiệp nhỏ phải chịu đựng dư âm của các lệnh hạn chế Covid-19 trước đó.
"Sinh viên mới tốt nghiệp không có nhiều cơ hội trong khu vực tư nhân", giáo sư Wu nhận định. Họ quyết định dấn thân vào khu vực nhà nước để tìm kiếm sự an toàn.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh cho các vị trí công vụ cũng khốc liệt đến mức người ta thường nhắc đến một câu ngạn ngữ Trung Quốc: “nghìn quân qua cầu một nhịp”.
Kỳ thi diễn ra vô cùng nghiêm ngặt. Thí sinh phải trả lời khoảng 130 câu hỏi trắc nghiệm bao gồm các chủ đề như toán học, phân tích dữ liệu, khoa học và kinh tế. Họ cũng được yêu cầu viết 5 bài luận từ 200-1.000 từ về các vấn đề xã hội và chính sách của chính phủ. Điểm cao chỉ giúp tăng cơ hội nhận được việc làm bởi để được tuyển dụng còn phải trải qua hàng loạt cuộc phỏng vấn, kiểm tra lý lịch và các đánh giá khác.
Nhưng cũng có một thực tế tại khu vực công. Một số người nói rằng họ bị ràng buộc bởi những cơ chế cứng nhắc và công việc đơn điệu trong khi những người khác yêu thích công việc, đồng thời phàn nàn rằng trách nhiệm của họ thường vượt quá giờ làm việc bình thường.
Tử Huy