Bệnh lao được ví là "kẻ giết người thầm lặng" bởi người mắc không tử vong ngay mà bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong, bệnh đã lây sang rất nhiều người khác. Theo các chuyên gia, sau Covid-19, số bệnh nhân lao ở thể nặng tăng lên rất nhiều.
Bệnh lao đang "trẻ hóa"
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương - chia sẻ: “Khi chúng ta có nhiều thời gian giãn cách xã hội khiến bệnh nhân rất khó tiếp cận điều trị. Giai đoạn đầu năm nay, có nhiều trường hợp đến khám với tình trạng rất nặng”.
PGS.TS Nguyễn Bình Hòa, Phó giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương (Hà Nội), cũng cho biết giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam cũng đang đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng.
Tương tự tình hình dịch tễ lao ở người lớn, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bệnh lao ở trẻ em cũng tăng lên. Đây là đối tượng dễ bị tác động bởi các bệnh truyền nhiễm trong đó có bệnh lao vì miễn dịch của trẻ còn yếu.
Đặc biệt là trẻ sống trong gia đình có người mắc lao phổi, có nguy cơ lây nhiễm cao hơn trẻ khác, nhất là các bé dưới 5 tuổi, nhiễm HIV.
Theo PGS.TS Hòa, mức độ lưu hành bệnh lao ở trẻ em trong một cộng đồng tỷ lệ thuận với mức độ lưu hành bệnh lao ở người lớn.
WHO ước tính số trẻ mắc lao chiếm khoảng 10-12% trong tổng số bệnh nhân lao mới và lao tái phát hàng năm. Ước tính trên toàn quốc, mỗi năm có khoảng 10,6 triệu ca mắc lao mới, 1,2 triệu ca lao ở trẻ em dưới 15 tuổi. Theo các ước tính trên, mỗi năm nước ta có khoảng 13.000 trẻ em mắc lao các thể cần điều trị.
Thực tế, Chương trình chống lao Quốc gia mới chỉ thống kê được khoảng 10-15% số bệnh nhi mắc mới. Theo chuyên gia, có thể, rất nhiều trẻ mắc lao chưa được phát hiện hoặc một số lượng lớn được điều trị tại bệnh viện tư, cơ sở chuyên khoa nhi chưa được báo cáo.
PGS.TS Hòa nhận định: “Điều đó đặt ra cho chúng ta thách thức cần phải tăng cường phát hiện bệnh. Bệnh lao ở trẻ không khó điều trị, phác độ ngắn hơn. Tuy nhiên, việc phát hiện bệnh ở trẻ khó hơn so với người lớn”.
Phòng bệnh lao ở trẻ như thế nào?
Đa phần trẻ em mắc lao dưới 5 tuổi, chiếm khoảng 50% tổng số bệnh nhi. 80% các ca bệnh lao ở trẻ là lao phổi. Hầu hết trường hợp này không phát hiện được vi khuẩn do trẻ không ho khạc đờm được, không làm được xét nghiệm vi khuẩn. Trong khi, xét nghiệm chẩn đoán lao chủ yếu dựa trên xét nghiệm đờm để tìm vi khuẩn lao.
“Bên cạnh đó, triệu chứng lao ở trẻ em không đặc hiệu. Trẻ không thể nói rõ được các triệu chứng, khó phân biệt với các bệnh hô hấp khác” PGS.TS Hòa cho biết.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, cho rằng bệnh lao ở trẻ em khó phát hiện và chẩn đoán do các triệu chứng lâm sàng thường mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác.
Vì thế, chỉ khi trẻ đã có những dấu hiệu nặng như ho ra máu, sốt, sút cân kéo dài… có thể gia đình mới nghĩ đến khả năng con mắc lao. Bên cạnh đó, liên quan đến yếu tố lâm sàng, lượng vi khuẩn lao trong nước bọt, đờm của trẻ thường thấp khiến việc chẩn đoán cũng phức tạp hơn.
Một số trẻ nhiễm vi khuẩn lao nhưng vì có sức đề kháng tốt nên không tiến triển thành bệnh ngay lúc đó - hay còn gọi là lao tiềm ẩn. Trong trường hợp này, gia đình vẫn nên cho trẻ đi sàng lọc, điều trị lao tiềm ẩn ngay.
Để phòng bệnh ở trẻ, biện pháp đầu tiên là tiêm phòng đầy đủ. Đồng thời, nâng cao nhận thức của của bố mẹ và gia đình về bệnh lao ở trẻ em để nhận biết các dấu hiệu từ sớm, đi khám và điều trị kịp thời. Chúng ta cũng có thể thực hiện sàng lọc lao định kỳ để loại trừ nguy cơ bệnh.
Người lớn trong gia đình khi có biểu hiện ho nhưng chưa thể đi khám ngay cũng không nên ho, khạc đờm bừa bãi, tránh ho trước mặt trẻ để dự phòng lây vi khuẩn lao (nếu có). Gia đình cần giữ môi trường ở thoáng khí, đủ ảnh nắng mặt trời và đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh cho trẻ.
Báo cáo của WHO ghi nhận mức tăng trong các ca mắc lao phổi là 4,5% so với cùng kỳ năm 2021. Tổ chức này cảnh báo số người mắc bệnh lao phổi trên toàn cầu đã tăng lần đầu tiên sau gần hai thập niên. Trong tổng cộng 10,6 triệu người được chẩn đoán mắc bệnh lao phổi vào năm 2021, 1,6 triệu người đã chết. Hàng năm, Việt Nam có hơn 172.000 người đã mắc bệnh và 10.400 người chết do bệnh lao. |