Bộ Y tế đánh giá tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của nhiều biến thể phụ của biến chủng Omicron và là thời điểm vào mùa của một số bệnh hô hấp.
Vì vậy sắp tới khi trẻ trở lại trường học, nhiều phụ huynh cũng lo ngại cho sức khỏe của con. Chị Lê Dương (35 tuổi, Hà Nội) cho biết, nhà chị có 2 bé (5 tuổi và 8 tuổi). Ngay từ nhỏ, các con có sức đề kháng kém hơn các bạn đồng trang lứa. “Mỗi khi thời tiết thay đổi hoặc gió mùa về, con thường xuyên ốm vặt. Vì vậy, tôi lo lắng khi thay đổi môi trường, sau thời gian dài nghỉ ở nhà quay trở lại lớp học, con hay bị ho, hắt hơi, sổ mũi”, chị chia sẻ.
TS.BS Đỗ Thiện Hải - Phó giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin, ở nước có khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, những bệnh viêm đường hô hấp thường xuyên lưu hành.
Cũng theo TS.BS Hải, tháng qua, so với các thời điểm trước đây, số ca bệnh nhập viện cao hơn nhưng trong khoảng 1 tuần vừa rồi số ca bệnh đã giảm dần. “Trung bình khoảng 3 tuần trở lại đây, mỗi ngày, Trung tâm Bệnh nhiệt đới có khoảng 20 - 30 trẻ phải nhập viện do mắc bệnh đường hô hấp, có các yếu tố nguy cơ nặng”, TS.BS Đỗ Thiện Hải cho biết.
Đánh giá về khả năng tăng các ca bệnh về đường hô hấp, TS.BS Hải cho biết, khi trẻ đi học tập trung trở lại, đặc biệt là các em nhỏ ở dưới 5 tuổi thường sinh hoạt tập trung ở môi trường có sử dụng điều hòa, điều kiện không khí sẽ kém hơn so với không khí tự nhiên. “Khi 1 em mắc bệnh sẽ có nguy cơ tạo các ổ dịch nhỏ, nguy cơ lây bệnh sẽ cao hơn khi ở cùng gia đình”, TS.BS Hải cho biết.
Tương tự, Trung tâm nhi khoa Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) hơn tháng nay vẫn duy trì điều trị nội trú cho khoảng 130 bệnh nhi mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp như cảm cúm, viêm mũi họng, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi...
Bác sĩ Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm nhi khoa Bệnh viện Bạch Mai cho biết, các bệnh liên quan đến đường hô hấp ở trẻ thường diễn biến quanh năm, tuy nhiên ca bệnh tăng nhiều hơn khi thời tiết chuyển mùa. Khi đó, không khí ẩm ướt, tình trạng trẻ ho, sốt, viêm tiểu phế quản, viêm phổi đều tăng lên.
Viêm tiểu phế quản gặp nhiều ở trẻ dưới 6 tuổi, đặc biệt ở trẻ dưới 6 tháng tuổi. Biểu hiện ban đầu thường gặp là trẻ sổ mũi, ho nhẹ và sốt trong 1 đến 2 ngày. Sau đó, triệu chứng này có thể tăng lên, trẻ ho nhiều hơn, thở nhanh và thở khò khè. Khi trẻ mắc viêm tiểu phế quản thường sẽ gây ho rất lâu, trong khi đó bệnh lại không đặc hiệu với kháng sinh nên việc điều trị phải rất kiên trì, tái khám thường xuyên khiến cha mẹ có tâm lý lo lắng.
Về dấu hiệu cảnh báo nhiễm khuẩn phải vào viện, TS.BS Hải cho biết, diễn biến của các trường hợp viêm đường hô hấp do virus, các triệu chứng đầu tiên là viêm long đường hô hấp ví dụ như ho, chảy mũi, hắt hơi... Hầu hết các trường hợp kèm theo triệu chứng sốt diễn biến từ 3-5 ngày, sau đó sẽ giảm dần và vào giai đoạn hồi phục.
“Nhưng khi đã giảm sốt rồi, trẻ có biểu hiện sốt lại cùng với mệt mỏi, ăn kém… đó là dấu hiệu mà chúng ta phải nghĩ rằng liệu có bội nhiễm do vi khuẩn sau khi nhiễm virus hay không?”, bác sĩ nhấn mạnh.
Khi không may tiếp xúc với nguồn bệnh, chúng ta nên có biện pháp phòng bệnh cho trẻ. Thông thường, chúng ta bật điều hòa cả ngày, trong mùa dịch bệnh như thế này, tại gia đình hoặc lớp học nên tắt điều hòa 2-3 lần/ngày, mở hết cửa để đảm bảo thông thoáng môi trường không khí trong phòng.
Thứ 2, các phụ huynh nên chú trọng vệ sinh đường hô hấp cho trẻ như nhỏ nước mũi, súc miệng nước muối, rửa tay, khử khuẩn thường xuyên…
Các chuyên gia cho rằng vi khuẩn, virus, nấm mốc, khí độc, bụi… là những nguyên nhân gây ra bệnh viêm đường hô hấp trên. Mầm bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng từ người sang người thông qua các giọt bắn hô hấp trong không khí khi người bệnh ho, hắt hơi hay nói chuyện gần. Ngoài ra, nếu chạm tay vào các bề mặt có dính virus hay vi khuẩn gây bệnh rồi chạm lên mắt, mũi, miệng cũng có thể bị nhiễm bệnh.
TS.BS Hải cũng khuyến cáo, khi có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe, kể cả những trường hợp có triệu chứng sốt nhẹ phụ huynh nên đưa trẻ đến trung tâm y tế để đánh giá sơ bộ, chẩn đoán bệnh. Đồng thời, nhân viên y tế sẽ tư vấn cách theo dõi các dấu hiệu nào cần cho trẻ nhập viện. “Một số trường hợp, chúng ta có thể xác định sớm các tác nhân gây bệnh sẽ có biện pháp điều trị phù hợp sớm, mang lại hiệu quả tốt hơn”, bác sĩ cho biết.