Điều trị ung thư xương bằng ni tơ lỏng tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là phương pháp đột phá được nhiều nước tiên tiến áp dụng bởi giúp tăng tỷ lệ sống và giảm tái phát tại chỗ cho người bệnh ung thư xương.
“Tái sinh” nhờ phương pháp điều trị ung thư mới
Một năm trước, gia đình Bùi Hoài N. (16 tuổi, Hà Nội) đã xác định em sẽ phải cắt cụt chân vì được chẩn đoán ung thư xương. Khối u của N. nằm sát cổ chân - vị trí rất ít da và cơ che phủ nên cực kỳ khó mổ thay xương nhân tạo như bình thường. Ngay cả ở các quốc gia tiên tiến, đây cũng là một vị trí thách thức đối với các phẫu thuật viên chấn thương chỉnh hình giỏi.
Đúng lúc tuyệt vọng nhất thì điều kỳ diệu đã đến với N. khi em được gặp các bác sĩ tại Vinmec Times City. Tại đây, ca phẫu thuật với công nghệ lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam đã sinh ra N. lần thứ 2.
Ngay sau ca mổ, kết quả chụp xạ hình xương không còn thấy khối u xương, tế bào ung thư đã được làm sạch. Sau 2 tháng phẫu thuật, vị trí ghép xương ở phía dưới dễ hồi phục hơn đã liền được 90%. Sau 4 tháng, N. đã có thể tập đi với một bên nạng và sau 8 tháng đã bỏ nạng, đi lại khá bình thường. Sau 1 năm, kết quả xét nghiệm cho thấy cơ thể không còn tế bào ung thư. Trên phim chụp, đầu xương phía dưới đã liền 100%, ở trên được 70 - 80%.
“Mỗi lần con có kết quả chụp chiếu tốt, tôi cũng yên tâm hơn. Lúc trước tôi vẫn làm thay con, cái gì cũng phải hỗ trợ. Giờ đây con tự đi lại, chủ động sinh hoạt cá nhân, tôi chỉ mong con ở với mình lâu dài hơn, được như bạn bè cùng trang lứa”, mẹ N. xúc động chia sẻ.
Kết quả phẫu thuật tốt, thậm chí vượt mong đợi này có được là nhờ phương pháp điều trị ung thư xương đột phá, lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam: Sử dụng ni tơ lỏng để diệt tế bào ung thư xương.
“Mảnh xương có khối u được cắt ra và làm sạch bằng ni tơ lỏng, loại bỏ hết tế bào ung thư rồi sau đó ghép lại vào đúng vị trí cũ. Do đó, bệnh nhân không phải cắt cụt chi, không phải sử dụng xương nhân tạo, sau phẫu thuật sẽ đi lại được bình thường và hầu như không có biến chứng”, GS. TS. BS Trần Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Vinmec, giải thích về ca mổ được thực hiện tại Vinmec vào tháng 10/2021 nhưng đã được nung nấu từ hơn chục năm trước.
Nấc thang mới của y học Việt Nam
Từ những năm 2010, khi làm nghiên cứu tại Nhật, GS Dũng đã biết đến phương pháp sử dụng ni tơ lỏng diệt khối u và bảo tồn xương. Thay vì bỏ đi đoạn xương có chứa khối u như thông thường, các bác sĩ làm sạch rồi ngâm xương trong dung dịch ni tơ lỏng (ở nhiệt độ -196oC). Dưới tác động của ni tơ lỏng, nước trong tế bào đóng băng dưới dạng tinh thể có bề mặt sắc nhọn, có khả năng phá vỡ cấu trúc màng tế bào, gây chết tế bào ung thư. Trong khi ở nhiệt độ này, các thành phần protein, enzym, canxi, phospho... được bảo tồn, nên khung xương cấu tạo từ canxi vẫn được giữ nguyên.
Phương pháp này có rất nhiều ưu điểm như: người bệnh không phải mất thời gian đợi chờ xương đồng loại hay chờ sản xuất dụng cụ cấy ghép nhân tạo mà có thể phẫu thuật sớm; xương tự thân nên sẽ dần liền lại theo cơ chế tự nhiên và bền vững hơn so với xương nhân tạo. Ngoài ra, phương pháp này rất thích hợp với những bệnh nhân nhỏ tuổi. Theo thời gian, xương của các em còn phát triển, giữ được xương ban đầu tối ưu hơn nhiều so với sử dụng vật liệu nhân tạo titan, hợp kim, vật liệu y sinh... không tự phát triển khi cơ thể trưởng thành.
Với những ưu điểm trên, phương pháp này đã giúp cho 90% bệnh nhân liền xương trong năm đầu tiên. Nhiều bệnh nhân ung thư xương ở Nhật sống khỏe mạnh sau 20 năm. Hiện tại, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc cũng áp dụng phương pháp này.
Đặc điểm chung của những nơi áp dụng thành công phương pháp này là có một ekip phẫu thuật chỉnh hình mạnh, đồng thời còn có sự phối hợp tốt của chuyên khoa ung thư, cùng các phương tiện chuyên dụng và chuyên gia xử lý mô trong môi trường ni tơ lỏng ở phòng mổ. Những điều kiện ngặt nghèo này hoàn toàn có thể được đáp ứng tại Vinmec nhờ đội ngũ chuyên gia tại Ngân hàng Mô đang hàng ngày sử dụng ni tơ lỏng để bảo quản hàng trăm nghìn mẫu mô các loại.
Theo thống kê, 90% bệnh nhân ung thư xương ở Việt Nam ở độ tuổi trẻ. Do đó, bác sĩ thường cố gắng mổ bảo tồn chi, để khi ổn định sức khỏe, các em vẫn có thể đi lại. Chỉ những trường hợp muộn như giai đoạn III, tế bào ung thư đã di căn, bác sĩ mới bắt buộc phải cắt cụt hoàn toàn chi.
Từ thành công với ca ung thư xương đầu tiên sử dụng ni-tơ lỏng, Trung tâm CTCH&YHTT Vinmec tiếp tục điều trị cho nhiều bệnh ung thư xương khối u đầu dưới xương chày và xương mác với kết quả đều đạt được như mục tiêu đề ra. Đồng thời, Trung tâm cũng sẽ nghiên cứu để áp dụng phương pháp này trong điều trị ung thư xương ở các vị trí khác như xương đùi, xương cánh tay. Với việc tiên phong ứng dụng các công nghệ điều trị tiên tiến nhất thế giới, Vinmec không chỉ thắp sáng hy vọng cho các bệnh nhân ung thư xương, mà còn khẳng định vị thế “cái nôi” của những công nghệ mới, góp phần đưa y học Việt Nam phát triển lên một nấc thang mới.
Thế Định