Khoảng 22h ngày 30/8, bác sĩ Tôn Soái đang trong ca trực tại Trung tâm Y tế cấp cứu (Bệnh viện Triều Dương Bắc Kinh) đã tiếp nhận một bệnh nhân nam 42 tuổi. Người đàn ông kêu đau tức ngực suốt 2 tiếng.
Bác sĩ Tôn nhanh chóng điện tâm đồ và làm các xét nghiệm cho người này. Sau đó, bệnh nhân vừa đứng dậy và định bước đi thì đột ngột bất tỉnh, ngã xuống đất. Bác sĩ Tôn gọi các đồng nghiệp đến hỗ trợ, bắt đầu ép ngực bệnh nhân ngay tại chỗ, thực hiện hồi sức tim phổi rồi đưa đến phòng cấp cứu.
Do tình trạng người đàn ông không ổn định, da tím tái, nôn ra một lượng lớn dịch dạ dày, bác sĩ nội trú Lương Mộng Lâm nhanh chóng đặt ống nội khí quản.
Người đàn ông được xác định bị nhồi máu cơ tim cấp và cần can thiệp mạch vành qua da (PCI) khẩn cấp. Bệnh viện và cảnh sát đã tìm kiếm người nhà của bệnh nhân này nhưng mọi thông tin đều rất ít ỏi.
Nếu không có chữ ký của gia đình, người bệnh 42 tuổi không đủ điều kiện để tiến hành phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân bị trì hoãn hoặc từ bỏ việc phẫu thuật sẽ phải đối mặt với nguy cơ tử vong cao hoặc suy tim lâu dài.
Đêm hôm đó, Trương Ngọc Hoa, Giám đốc văn phòng của Bệnh viện Triều Dương Bắc Kinh và bác sĩ Lưu Vũ, Trưởng tuyến 3 Khoa Tim mạch, đã thảo luận và quyết định mổ cấp cứu cho bệnh nhân. Với họ, sứ mệnh của đội ngũ y bác sĩ là không được từ bỏ việc phẫu thuật chỉ vì không có ai ký cho bệnh nhân.
Bác sĩ Trương nhấn mạnh với các nhân viên y tế Khoa Tim mạch: “Một người đàn ông 42 tuổi là trụ cột kinh tế của gia đình. Từ bỏ việc điều trị cho họ tương đương việc phá hủy một gia đình. Tôi sẽ ký cho bệnh nhân phẫu thuật”.
Sau khi nhận được quyết định, bác sĩ Triệu Lâm, Trưởng khoa Tim mạch ngay lập tức đưa ra chỉ thị: “Hãy đặt việc cứu sống bệnh nhân lên hàng đầu, việc làm thủ tục nhập viện, phí phẫu thuật không phải là vấn đề”.
Dưới sự đồng lòng của các bác sĩ, ca phẫu thuật đã hoàn thành thuận lợi. Bệnh nhân tỉnh táo trở lại và các dấu hiệu sinh tồn như huyết áp, nhịp tim, nồng độ oxy dần được ổn định.
Sáng hôm sau, cảnh sát đã lấy được thông tin về người thân của bệnh nhân này. Theo đó, anh chưa lập gia đình và ở một mình. Cha mẹ của người đàn ông đều không còn.
Trong những năm gần đây, số lượng người độc thân ở Trung Quốc bắt đầu gia tăng. Việc không có người thân đi cùng trong quá trình điều trị cấp cứu có thể dần trở thành một vấn đề xã hội mới, đặt ra những thách thức mới cho các bệnh viện và nhân viên y tế ở đất nước tỷ dân.
Câu chuyện của nhóm bác sĩ trên đã truyền cảm hứng cho thế hệ làm ngành y hiện nay. Việc nhận trách nhiệm trong hoàn cảnh đặc biệt như vậy đòi hỏi kinh nghiệm, lòng dũng cảm và tình yêu thương của các bác sĩ.