ThS.BS Phan Ngọc Nhu, Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ), cho hay kết quả chụp cắt lớp vi tính sọ não và mạch máu não, cho thấy bệnh nhân có xuất huyết dưới nhện lan tỏa. Bác sĩ phát hiện túi phình đỉnh động mạch thân nền đã vỡ, có kích thước 4,5 x 4mm.
Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định hồi sức tích cực và can thiệp nút túi phình mạch máu não bị vỡ cho bệnh nhân bằng 4 vòng xoắn kim loại. "Sau thời gian điều trị, bệnh nhân được ra viện trong tình trạng tỉnh hoàn toàn, mọi hoạt động sinh hoạt bình thường" - BS Nhu cho biết ngày 2/11.
Theo BS Nhu, phình mạch máu não là tình trạng một đoạn mạch máu trong não xuất hiện các điểm phồng to như quả bóng chứa đầy máu, gây áp lực lên các dây thần kinh hoặc mô não, thường xảy ra khi thành mạch máu bị yếu.
Vì thành mạch quá mỏng nên bất cứ thời điểm nào cũng có thể bị vỡ, lúc này máu sẽ tràn vào khoang ở xung quanh não. Phình mạch máu não chiếm khoảng 3-5% dân số, tức là cứ 100 người thì có 3-5 người bị. Tuy nhiên, hầu hết túi phình động mạch não không vỡ, không có triệu chứng. Chỉ khoảng 0,25% người mang túi phình động mạch não sẽ vỡ.
Tăng huyết áp, uống nhiều rượu, hút thuốc lá và một số nguyên nhân khác như nấm ký sinh, nhiễm khuẩn, chấn thương,... được xem là yếu tố làm tăng nguy cơ bị phình động mạch não.
Bệnh lý này gặp nhiều ở nữ hơn nam, tuổi hay gặp nhất từ 40-60. Phình động mạch não hiếm khi gặp ở trẻ em, tuy nhiên, PGS.TS Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết bác sĩ ở đây từng gặp bệnh nhi 4-5 tuổi đã phình mạch máu não. Thậm chí có bé mới 8 tuổi chuyển từ bệnh viện ở miền Trung ra đã mang phình mạch khổng lồ.
Dấu hiệu cảnh báo
Theo PGS Hệ, tại Trung tâm Phẫu thuật thần kinh của bệnh viện này, hầu như tuần nào cũng gặp bệnh nhân bị phình mạch, dị dạng mạch. Bệnh nhân tình cờ phát hiện khi đi chụp phim.
Với các túi phình mạch máu não nhỏ, chưa vỡ không phát triển sẽ ít gây ra triệu chứng cho người bệnh. Tuy nhiên, trong trường hợp túi phình lớn, đè ép lên các mô não và dây thần kinh sẽ gây nên tình trạng đau phía trên và sau mắt; thị lực bị thay đổi; liệt một bên mặt; đồng tử giãn; sụp mi…
Ở một số trường hợp, túi phình không vỡ nhưng bị rò rỉ một lượng máu nhất định ra ngoài, gây nên triệu chứng đau đầu kèm tiếng kêu.
"Trong trường hợp cơn đau đầu dữ dội, xuất hiện đột ngột hoặc kết hợp với các triệu chứng bất thường khác, người bệnh cần đi khám ngay" - bác sĩ Nhu khuyến cáo.
Khi các túi phình bị vỡ, người bệnh sẽ cảm thấy đau đầu đột ngột và cực kỳ nghiêm trọng, kèm theo một số triệu chứng như hoa mắt, buồn nôn hoặc nôn mửa, cứng cổ, nhạy cảm với ánh sáng, co giật, mất ý thức thậm chí tim ngừng đập.
Không phải tất cả người bệnh phình động mạch não cần thiết phải điều trị. Bác sĩ sẽ điều trị phình mạch não nếu khối phình bị vỡ hoặc to, chèn ép các tổ chức xung quanh, túi phình động mạch não lớn.
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, nhiều trường hợp người cao tuổi mắc phình mạch não nhưng không vỡ tìm đến gặp ông để được can thiệp phẫu thuật. Với những bệnh nhân cao tuổi, bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh sống chung an toàn và lành mạnh. Đó là do người cao tuổi, đặc biệt người mắc bệnh nền như huyết áp, đái tháo đường, nếu phẫu thuật sẽ gặp nhiều nguy cơ cao.
Với người trẻ mắc phình mạch não không vỡ, bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh kiểm tra định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm/lần, nếu thấy túi phình to lên, biến dạng sẽ can thiệp.
PGS.TS Đồng Văn Hệ khuyến cáo, huyết áp cao rất dễ gây vỡ phình mạch não, có thể dẫn tới tử vong nếu không phát hiện và cấp cứu kịp thời.
Do vậy, để phòng chống vỡ phình mạch não, theo khuyến cáo của chuyên gia, người dân nên kiểm soát huyết áp, không hút thuốc; giảm bớt rượu, bia; kiểm soát cân nặng, thường xuyên tập luyện, đặc biệt là chạy và đi bộ rất tốt cho tim mạch và giảm nguy cơ dị dạng mạch não.