Vừa đi học mẫu giáo khoảng 2 tháng, bé Ngô Toàn (4 tuổi, TP Thủ Đức) sốt nhẹ, quấy khóc và bỏ ăn. Chị Nguyễn Hà, mẹ bé nghi ngờ con bị tay chân miệng vì thời điểm này bệnh đang vào mùa. Chị cho con nghỉ học để ngăn lây nhiễm sang bạn bè.
Hai ngày sau, mang tai của Lâm sưng to, nuốt khó. Bé than đau cổ và tai. Chị Hà đưa con đi khám và bác sĩ chẩn đoán, Lâm bị quai bị.
“Tôi bất ngờ! Con đã tiêm 1 mũi vắc xin phòng quai bị từ lâu rồi mà vẫn mắc bệnh. Với con trai, bệnh này rất đáng sợ vì có thể “chạy hậu” gây vô sinh. Những ngày con ốm tôi cũng căng thẳng theo vì lo lắng", chị Hà tâm tư.
Nỗi lo này không phải là vô lý, khi thực tế đã có trường hợp khó sinh con vì mắc quai bị từ nhỏ.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Ngô Thị Mai Phương, Phòng khám Nhi Tiêm ngừa, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus paramyxo gây nên. Bệnh lây qua đường hô hấp, chủ yếu qua những giọt nước bọt nhỏ khi nói chuyện, ho... nên lây lan nhanh trong cộng đồng.
Nhóm trẻ từ 5-9 tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh nhất. Trẻ mắc quai bị thường sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn. Trong 48 giờ sau đó, trẻ bị sưng tuyến mang tai khoảng 3 ngày rồi giảm sưng.
Tỷ lệ tử vong vì quai bị không cao nhưng người bệnh có thể nguy kịch vì các biến chứng. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng liên quan đến cơ quan sinh sản. Cụ thể, từ 15-30% trẻ trai mắc bệnh sẽ bị viêm tinh hoàn, 5% trẻ gái bị viêm vòi trứng.
Ngoài ra, bệnh có thể biến chứng lên hệ thần kinh trung ương (gây viêm não, viêm màng não, điếc) hoặc viêm khớp, viêm cơ tim…
“Nhiều phụ huynh rất lo sợ các bé trai bị vô sinh khi mắc bệnh. Thực tế, trong số bệnh nhi bị biến chứng viêm tinh hoàn, có 60-90% là viêm tinh hoàn một bên. Chỉ khi nào bệnh nhân bị viêm tinh hoàn 2 bên gây ra tình trạng teo tinh hoàn 2 bên, giảm sinh tinh sẽ dẫn đến vô sinh.
Trường hợp này có, nhưng rất hiếm gặp”, bác sĩ Mai Phương chia sẻ.
Về biểu hiện, tinh hoàn bệnh nhân sẽ sưng to hơn bình thường từ 2 đến 3 lần, đau vùng bìu, mào tinh dày bất thường, sốt cao và mệt mỏi. Quá trình teo tinh hoàn có thể diễn ra sau vài tháng xuất hiện viêm cấp tính, khoảng 50% tinh hoàn bị teo dần, 50% còn lại tinh hoàn vẫn có thể sinh tinh và trở về trạng thái bình thường.
Cũng theo bác sĩ Mai Phương, điều đáng lo ngại là bệnh có thể bùng phát rộng vì lây truyền qua giọt bắn, qua đường hô hấp. Nếu không tiêm vắc xin từ nhỏ, 85% người đến tuổi trưởng thành cũng sẽ mắc bệnh.
“Đáng chú ý, ai đã từng mắc quai bị sẽ rất khó bị lại lần 2 vì miễn dịch gần như có suốt đời. Trường hợp mắc bệnh 2 lần là do suy giảm miễn dịch hoặc cơ địa đặc biệt”, bác sĩ Phương nói.
Để phòng bệnh, trẻ cần rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi có thể. Khi mắc bệnh, trẻ nên nghỉ học, cách ly với bạn bè để tránh lây lan diện rộng. Biện pháp phòng ngừa quai bị tốt nhất tiêm vắc xin, có thể phòng bệnh hiệu quả từ 86-90%.
Linh Giao
Nữ bác sĩ trẻ đột ngột bị điếc hoàn toàn sau 5 ngày mắc quai bị. Từ một người bình thường trở thành tàn phế, nhiều lúc chị đã nghĩ cuộc đời khép lại từ đây.